Năm 1984, chúng tôi những sĩ quan trẻ đào tạo cơ bản ở nước ngoài được biên chế cho Quân chủng Hải quân. Mặc dù được đào tạo chuyên ngành Hải quân, nhưng trước đó chúng tôi chưa hình dung được Hải quân nhân dân Việt Nam như thế nào? Lực lượng tàu thuyền và vũ khí trang bị ra sao? Vị Tư lệnh Hải quân như thế nào? Tất cả đều mới mẻ và lạ lẫm!
Đô đốc Giáp Văn Cương
Chúng tôi tập trung để quân chủng giao nhiệm vụ tại Trung tâm điều dưỡng Đoàn 22 Hạ Long, nơi mà cán bộ, sĩ quan hải quân được nghỉ dưỡng theo chế độ hằng năm. Có thể nói đây là một đặc ân cho sĩ quan trẻ chúng tôi.
Trong những ngày nghỉ và tập trung học tập chính trị tại Hạ Long, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về Hải quân Việt Nam trong đó có vị tư lệnh của mình với những câu chuyện truyền miệng về ông, những huyền thoại, chiến công trong chỉ huy chiến đấu cũng như tính cách mạnh mẽ trong đời thường.
Những ngày gần kết thúc khóa tập huấn, chúng tôi bất ngờ và vinh dự nhận được thông báo Tư lệnh Hải quân - Đô đốc Giáp Văn Cương đến thăm. Hôm đó, chúng tôi trong quân phục mới chỉnh tề, hồi hộp chờ đón Tư lệnh. Suốt cả buổi sáng ai cũng mong ngóng vì đây là lần đầu được gặp Tư lệnh của Quân chủng.
Chúng tôi cứ nghĩ, từ Hải Phòng ra Quảng Ninh, ông sẽ đi đường bộ là phù hợp nhất, tuy nhiên không phải thế. Khoảng 10 giờ, trên bầu trời Hạ Long bỗng có tiếng máy bay trực thăng, chiếc Mi-28 xuất hiện, lúc đó mọi người reo vang: Tư lệnh đến! Tư lệnh đến...!
Tôi thật sự ngưỡng mộ về cách đến của Tư lệnh, ngưỡng mộ hơn khi ông từ máy bay đi xuống với dáng vẻ của một vị tướng đầy uy lực. Trong thời gian khoảng 1 giờ, Tư lệnh đã nói chuyện với chúng tôi về Hải quân Việt Nam, những khó khăn, thuận lợi và giao nhiệm vụ cho những sĩ quan trẻ chúng tôi.
Tư lệnh nói nhiều vấn đề nhưng tôi nhớ nhất câu kết luận vừa mang tính hài hước vừa sâu sắc đọng mãi trong tâm trí: "Các đồng chí được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, các đồng chí học được những gì? Thấy được những gì hay của nước bạn về đơn vị các đồng chí phải làm ngay và vận dụng cho đúng tình hình thực tế".
"Tuy nhiên, tôi cảnh báo cho các đồng chí, có thể sẽ có người là chỉ huy của các đồng chí chưa tin tưởng ngay những việc các đồng chí hành động như đã được học, họ sẽ chê bai các đồng chí là sách vở, là công tử bột. Các đồng chí đừng sợ mà nản chí! Cứ làm theo những gì đã học, đã thấy. Tư lệnh luôn ủng hộ cái mới, cái chính quy của các đồng chí!".
Câu dặn dò của Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương cứ đeo đẳng tôi suốt năm tháng khi còn là sĩ quan trẻ. Quả thật, đúng như ông đã nói! Chúng tôi về đơn vị đã gặp bao nhiêu khó khăn để từng bước khẳng định mình, trong đó không tránh khỏi sự đố kị vì "học ở nước ngoài là sách vở, không thực tế".
Nhớ lời căn dặn, tôi luôn cố gắng thực hiện những lời Tư lệnh dạy bảo. Vượt qua những khó khăn từ lúc ra trường, rồi trên cương vị thuyền trưởng, tôi đã có điều kiện để luôn thực hiện tốt lời dạy của Tư lệnh, từ tổ chức thực hiện chế độ hằng ngày, chế độ vệ sinh, bảo quản tàu đến chế độ huấn luyện...
Vì vậy, những con tàu tôi làm thuyền trưởng luôn được cấp trên ghi nhận, đánh giá là tập thể đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là công tác kỷ luật và bảo quản tàu.
Tôi còn nhớ khi tiếp nhận tàu TITAN, ông thuyền trưởng cũ người nước ngoài đã chỉ cho tôi một con tàu bên cạnh lắc đầu và nói: "Tôi hi vọng 1 năm sau trở lại không phải nhìn thấy TITAN như con tàu bên cạnh".
Tình cờ 3 năm sau, chính ông ta đã sang thăm Việt Nam, ghé thăm chúng tôi, thăm con tàu cũ, ông vô cùng ngạc nhiên vì không những chúng tôi giữ được mà tàu còn sạch hơn, đẹp hơn. Kết quả như trên là vì tôi luôn nhớ mãi lời dặn của Tư lệnh Giáp Văn Cương.
Năm 1988, lần đầu được bổ nhiệm làm thuyền trưởng một con tàu hiện đại và quan trọng – Tàu kéo Rotam (HQ956) mới được mua từ nước ngoài. Sau hơn một tháng tiếp nhận, huấn luyện, tàu được giao nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch K5: Kéo tàu anh hùng HQ-505 từ đảo Cô-lin về bờ trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, sóng gió lớn.
Chuyến công tác thất bại, Tàu HQ-505 bị sóng đánh chìm là một kỷ niệm buồn, một thất bại trong đời thuyền trưởng của tôi (có dịp tôi sẽ kể lại với bạn đọc).
Tàu về bờ được một hôm, cán bộ, chiến sĩ đang trong tâm trạng buồn chán, riêng tôi thì không ăn, không ngủ được. Trên cương vị thuyền trưởng, lần đầu xuất quân thất bại làm sao không buồn được thì nhận được tin Tư lệnh Giáp Văn Cương đến thăm tàu.
Chúng tôi lo lắng không biết phải báo cáo với Tư lệnh sao đây? Tôi suy nghĩ và trao đổi thống nhất với đồng chí Phó thuyền trưởng về chính trị, Bí thư chi bộ tàu là sẽ thẳng thắn báo cáo sự việc và mạnh dạn nhận trách nhiệm của mình.
Tư lệnh cùng đoàn cán bộ 4 cơ quan quân chủng, cán bộ Lữ đoàn 125 Hải quân lên tàu. Tôi triệu tập toàn tàu báo cáo.
Mở đầu buổi gặp mặt, Tư lệnh nói: "Các đồng chí vừa đi làm nhiệm vụ vất vả trở về, biết các đồng chí còn mệt, tuy nhiên nhân chuyến công tác phía Nam, tôi tranh thủ đến thăm các đồng chí và có món quà của Bộ tư lệnh tặng các đồng chí (02 thùng bia lon 333 và 2 cây thuốc lá đầu lọc hạng sang).
Chúng tôi ngỡ ngàng, hồi hộp phân vân không biết tại sao Tư lệnh lại tặng quà cho tàu chưa hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, Tư lệnh còn hỏi thăm tình hình sức khỏe bộ đội, tình hình kỹ thuật của tàu, tuyệt nhiên không đề cập đến vụ chìm tàu HQ-505 vừa qua.
Tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên tàu báo cáo tình hình bộ đội, tình trạng kỹ thuật của tàu hiện nay và giải trình một số nguyên nhân thất bại của việc cứu kéo tàu HQ-505.
Song khi tôi chuẩn bị trình bày đến nội dung thất bại trong cứu kéo thì Tư lệnh yêu cầu dừng lại không phải báo cáo lúc này. Hôm nay, Tư lệnh đến thăm bộ đội chứ không phải đến làm việc. Sự việc chìm tàu sẽ được rút kinh nghiệm nghiêm túc từ tàu đến quân chủng vào dịp khác.
Tư lệnh yêu cầu và giao nhiệm vụ cho chúng tôi nhanh chóng ổn định tư tưởng, xây dựng quyết tâm sửa chữa tàu nhanh chóng để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới quan trọng hơn.
Tư lệnh còn căn dặn: "Trong chiến đấu là phải quyết tâm chiến thắng, tuy nhiên cũng có lúc gặp thất bại, điều đó cũng đều có thể xảy ra, cái quan trọng nhất là chúng ta phải rút kinh nghiệm để không được lặp lại lần thứ hai".
Chuyến thăm của Tư lệnh đã giải tỏa hoàn toàn tâm lý u buồn, chán nản của chúng tôi. Cán bộ, chiến sĩ toàn tàu lao vào khắc phục sửa chữa máy móc để chờ nhiệm vụ mới của Tư lệnh với quyết tâm lập công mới để không phụ lòng tin của Tư lệnh.
Hai câu chuyện trên là hai trong nhiều kỷ niệm không quên với Tư lệnh Giáp Văn Cương khi tôi là một sĩ quan trẻ, đã đi theo suốt quá trình công tác của tôi.
Nó giúp tôi khẳng định tính cách của người chỉ huy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát và chia sẻ những khó khăn với bộ đội, luôn coi trọng công tác động viên bộ đội là một yếu tố quan trọng và động lực phát huy sức mạnh của một tập thể để hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.