Cuộc đảo chính bất thành
Năm 1991, gần 6 năm từ thời điểm nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt đầu công cuộc cải cách gây tranh cãi mang tên "glanost" để "công khai hóa, mở cửa" và "perestroika" để "cải tổ" toàn diện nhà nước, Liên Xô không những không giải quyết được những căn bệnh trầm kha mà thậm chí bước vào giai đoạn rệu rã chưa từng có.
Người dân Liên Xô đứng ngoài sạp báo toàn những bài đăng về việc phe đảo chính đã nắm quyền ở Moscow. Ảnh: Getty Images
Về kinh tế, sản lượng công nghiệp lao dốc, người dân không có việc làm, lạm phát leo thang, cuộc sống bị đảo lộn. Việc sản xuất bị đình trệ khắp Liên Xô cũng khiến hàng hóa thiếu thốn đủ bề, nhiều người đã không thể tiếp cận những mặt hàng thiết yếu. Có thời điểm, người dân Liên Xô phải xếp hàng cả cây số chỉ để chờ mua ổ bánh mì.
Về chính trị, sự yếu kém của dàn lãnh đạo doGorbachev đứng đầu đã giúp thế lực bên ngoài, những kẻ thù giai cấp và đầy tham vọng cá nhân có cơ hội tác động đến phần lớn quần chúng đang mất dần niềm tin vào thể chế. Các cuộc xung đột sắc tộc nổ ra ở nhiều khu vực, kéo theo phong trào đòi ly khai ở Litva, Estonia, Latvia, Gruzia...
Trong bối cảnh chính quyền Liên Xô mất dần quyền kiểm soát với liên bang, nhà lãnh đạo Gorbachov năm 1991 lại tiếp tục đưa ra nảy ra ý tưởng ký kết một hiệp ước liên bang mới giữa lãnh đạo các nước cộng hòa trực thuộc, mà theo Sputnik, sẽ cho phép thành lập thêm hơn 20 vùng tự trị trong Liên bang Xô Viết.
Ông Yeltsin và ông Gorbachev. Ảnh: Itn
Dù ý tưởng trên không được nhiều người trong tầng lớp chính trị cầm quyền ủng hộ, nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý do Gorbachev kêu gọi vào tháng 3/1991, hơn 70% số người tham gia bỏ phiếu ủng hộ việc "duy trì liên bang (Xô Viết) với tư cách là liên bang đổi mới của những nước cộng hòa có chủ quyền ngang nhau".
Gorbachev và một số lãnh đạo các nước cộng hòa trực thuộc loan báo rằng, hiệp ước mới của ông ta sẽ giúp gắn kết đất nước, nhưng động thái đó lại khiến nhiều quan chức Xô Viết nổi giận. Một nhóm lãnh đạo cấp cao, những người theo đường lối cứng rắn, quyết định tiến hành một cuộc đảo chính chống lại Gorbachev ngay trước khi hiệp ước dự kiến kí vào ngày 20/8/1991. Họ muốn ngăn Liên Xô bị chia cắt.
Binh sĩ đứng trên xe tăng ở Moscow tháng 8/1991. Ảnh: ITN
Cuộc đảo chính bắt đầu từ ngày 18/8/1991 với việc nhóm 12 quan chức cấp cao, dẫn đầu bởi Phó Tổng thống Gennady Yanayev, cùng lãnh đạo cơ quan an ninh KGB Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, Thủ tướng Valentin Pavlov... chiếm quyền điều hành đất nước khi Gorbachev đang đi nghỉ ở Crimea.
Theo tài liệu do trang History ghi lại, nhóm lãnh đạo đảo chính đã chỉ đạo việc giam lỏng Gorbachev cùng gia đình tại nhà nghỉ ở Crimea từ ngày 18/8/1991, yêu cầu ông ta từ chức nhưng Gorbachev đã nhất quyết khước từ.
Ngày 19/8/1991, nhóm lãnh đạo đảo chính ra tuyên bố Gorbachev bị bệnh, không còn điều hành đất nước nữa. Họ sau đó nhanh chóng thành lập một Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước rồi đưa ông Yanayev lên vị trí Tổng thống Liên Xô tạm quyền. Những người này đồng thời ban bố sắc lệnh khẩn cấp toàn quốc, giới nghiêm thủ đô Moscow với hi vọng kiểm soát được chính phủ.
Mục đích là vậy, nhưng trong thời khắc phát biểu then chốt trước toàn thể người dân qua truyền hình, dáng vẻ sợ sệt và bàn tay run lẩy bẩy của Phó Tổng thống Yanayev lọt vào ống kính máy quay đã khiến người ta thêm thất vọng, có cảm giác rằng nhóm của ông không phải những người có thể vãn hồi được tình hình, điều nhiều người canh cánh mong chờ.
Hình ảnh nổi tiếng của Yeltsin khi ông đứng trên xe tăng gần tòa nhà chính quyền, kêu gọi quân đội không cản trở người biểu tình. Ảnh: AP
Khi xe tăng của phe đảo chính tiến thẳng vào trung tâm Moscow để biểu dương sức mạnh, hàng nghìn người đã đổ xuống đường để phản đối. Tổng thống Liên bang Nga (khi đó vẫn là thành viên quan trọng nhất của Liên bang Xô Viết) mới đắc cử hồi tháng 7/1991 Boris Yeltsin cũng tham gia biểu tình.
Phe đảo chính muốn bắt Yeltsin nhưng thất bại do bị người biểu tình chặn đường. Yeltsin thậm chí đã trèo lên một xe tăng trong tiếng hò reo rồi kêu gọi quân đội không chống lại người dân, cáo buộc những người đảo chính hành động vô trách nhiệm và hối thúc thêm nhiều người dân Nga đình công.
Do nhiều yếu tố cộng lại, các cuộc biểu tình sau đó lan rộng, làm chia rẽ những lực lượng an ninh và quốc phòng trung thành, khiến họ không thể được huy động một cách có hiệu quả để chống lại sự đối kháng. Nhiều nhóm binh sĩ thậm chí đã buông súng, tham gia vào đám đông biểu tình chống lại phe đảo chính.
Có thông tin cho rằng, nhóm đảo chính áp dự định tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào nơi đặt chính phủ Nga. Nhưng trước nguy cơ đổ máu, nhóm lãnh đạo đảo chính quyết định rút lui. Sau ba ngày, tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được dỡ bỏ, Gorbachev được thả tự do và trở về Moscow vào ngày 22/8. Cuộc đảo chính kết thúc. Yanayev và nhóm đảo chính bị bắt ngay sau khi vụ việc bất thành.
Tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của Liên Xô
Có rất nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về nguyên nhân Liên Xô tan rã, song phần lớn các tác giả đều có chung nhận định rằng, cuộc chính biến ở Moscow tháng 8/1991 chính là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của Liên Xô, vốn sau này được đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20".
Yanayev xuất hiện cùng các lãnh đạo phe đảo chính khi ông tuyên bố mình trở thành Tổng thống tạm thời của Liên Xô. Ảnh: TASS
Theo History, cuộc đảo chính thất bại một phần vì nỗ lực này được lên kế hoạch sơ sài và tổ chức kém. Các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính dường như dành nhiều thời gian để tranh cãi, và theo một số báo cáo, một vài người trong số họ đã dành thời gian để uống rượu, trong đó bao gồm ông Yanayev.
Trong cuốn sách "Cuộc đảo chính và tôi", Patrick Armstrong, chuyên gia về Liên Xô và Nga, người từng là cố vấn trong phái bộ Canada ở Moscow thời điểm đó, mô tả, khi xe tăng tiến vào Moscow ngày 19/8/1991, ông nhìn thấy các binh sĩ tranh luận với người dân. "Tôi đã biết đó không phải dấu hiệu cho thấy một cuộc đảo chính thành công... Nói một cách ngắn gọn, đảo chính phải diễn ra nhanh và toàn diện hoặc sẽ thất bại".
Trong khi đó, Sputnik bình luận, nỗ lực đảo chính đã vô tình phơi bày sự thiếu niềm tin vào giới lãnh đạo Liên Xô khi đó. Sự hỗn loạn ở Moscow cũng tạo động lực để các thế lực thúc đẩy phong trào ly khai khỏi Liên Xô, nhất là ở vùng Baltic và các nước cộng hòa thuộc liên bang khác ở Trung Á.
Đám đông biểu tình đối thoại với các binh sĩ quân đội ở Moscow. Ảnh: TASS
Về phần Gorbachev, sau khi trở về Moscow, ông đã lập tức từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24/8 với hi vọng vớt vát sự ủng hộ. Sau vài ngày, cơ quan lập pháp Xô Viết Tối cao quyết định đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trên toàn lãnh thổ Liên Xô.
Có nhiều nguồn tin xác nhận Gorbachev đã được Mỹ cảnh báo về một âm mưu quân sự chống lại mình. Một số người bình luận, nhà lãnh đạo Liên Xô đã không nghiêm túc xem xét cảnh báo, trong khi một số khác cho rằng Gorbachev đã tính trước việc mình bị bắt và lợi dụng tình thế để hưởng lợi.
Cần lưu ý, Gorbachev dự định kí hiệp ước liên bang mới ngày 20/8/1991 ở Kazakhstan, song lại quyết định đi nghỉ ở Crimea từ 3/8. Có tài liệu cho rằng Gorbachev thật sự tin hiệp ước liên bang của ông sẽ giữ Liên Xô không tan rã, nhưng trước sức ép của Yeltsin, người muốn lãnh đạo nước Nga độc lập khỏi Liên Xô, Gorbachev muốn phe đảo chính giúp ông ta hạ bệ Yeltsin. Yeltsin cũng chính là đối thủ đánh bại ứng cử viên được Gorbachev hậu thuẫn, Nikolai Ryzhkov, trong cuộc bầu cử tháng 6/1991 ở Nga.
Yeltsin phát biểu tại một cuộc họp của cơ quan lập pháp Xô Viết Tối cao. Ảnh: TASS
Dẫu vậy, trả lời AP một thập kỉ sau sự kiện tháng 8/1991, Gorbachev bác bỏ nghi án cho rằng mình biết trước sự việc. Ông cũng nói về Yeltsin: "Cần khách quan. Khi ông ta xuất hiện và lãnh đạo phe phản đối đảo chính, tình hình rất nguy hiểm và có thể diễn biến xấu theo bất kỳ chiều hướng nào. Tôi nghĩ trong trường hợp này, chúng ta phải khen ngợi Yeltsin. Ông ta đã có một vai trò lịch sử".
Nhưng cũng như mọi lần, Gorbachev đổ lỗi cho Yeltsin đẩy nhanh sự tan rã của Liên Xô: "Yeltsin là một con bạc, một người lắm mưu đồ, đấy là những nét tính cách ăn sâu trong con người ông ta. Ông ta có hai ước nguyện rõ ràng và không biết bao giờ mới ngừng hẳn, là được nắm quyền, được ở vị trí cao nhất".
Người dân Moscow tuần hành cùng lá cờ Nga sau chính biến tháng 8/1991. Ảnh: TASS
Sputnik dẫn lời cựu Thủ tướng Đông Đức Modrow cũng từng nhận xét: "Yeltsin hiểu rằng ông ta sẽ lên nắm quyền và mở rộng cấu trúc quyền lực của mình nhờ vào cuộc đảo chính này". Sau chính biến tháng 8/1991, Yeltsin nổi lên tại Nga như một nhân vật uy tín, sát cánh cùng người dân và có thể lãnh đạo đất nước.
Tháng 7/1991, lễ nhậm chức của Yeltsin vẫn treo cờ Liên Xô. Từ khi nắm quyền, Yeltsin phải chia sẻ nơi làm việc cùng Gorbachev ở Điện Kremlin. Sau sự kiện tháng 8, Gorbachev đánh mất hoàn toàn vị thế, không còn quyền lực gây ảnh hưởng đến các sự kiện bên ngoài Moscow nữa. Ông ta bị Yeltsin thách thức, Yeltsin đã bắt đầu tiếp quản những gì còn lại của chính phủ Liên Xô, kể cả Điện Kremlin.