Hơn 30 năm trước, vào tháng 10/1986, tại thủ đô Reykjavík của Iceland đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô.
Hội nghị thất bại, nhưng...
Đứng đầu phái đoàn Liên Xô là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) Mikhail Gorbachev, còn phía Mỹ là Tổng thống Ronald Reagan. Nếu chỉ nhìn vào biên bản Hội nghị, sẽ không ai tìm thấy điều gì bất thường, bởi trong đó chỉ thể hiện ý kiến của lãnh đạo 2 cường quốc liên quan đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nhà sử học Aleksandr Ostrovsky từ Saint Peterburg dành nhiều năm nghiên cứu về quan hệ Xô-Mỹ và năm 2011 đã xuất bản cuốn sách "Sự ngu muội hay phản bội? Điều tra về sự sụp đổ của Liên Xô" tại NXB Cầu Crymea, Moskva. Ông dành sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Reykjavík tháng 10/1986, tức chỉ hơn 1 năm sau khi ông Gorbachev giữ chức Tổng bí thư ĐCSLX.
Ông Aleksandr Ostrovsky viết:
"Từ cuộc gặp thượng đỉnh đó đến nay đã 20 năm, vậy mà mùa thu 2006 tại Reykjavík bỗng khánh thành một đài tưởng niệm, ghi nhớ Hội nghị thượng đỉnh Xô-Mỹ, như là một bước ngoặt trên lộ trình chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Câu hỏi được đặt ra là đài tưởng niệm này có ý nghĩa gì, nếu như Hội nghị này đã thất bại, và thay vì làm quan hệ Xô Mỹ nồng ấm lên, thì nó đã làm cho mối quan hệ này thêm nguội lạnh?
Điều đó có nghĩa là nó được dựng lên, không phải để ghi nhớ đến những gì mà chúng ta biết, mà là những gì người ta vẫn giấu giếm."
Ostrovsky đã tiếp xúc với các tài liệu bí mật, hồi ký của các nhân chứng và tiến hành phân tích các sự kiện theo trình tự logic và đưa ra kết luận: tại Reykjavik, Gorbachev đã có những thỏa thuận bí mật về sự đầu hàng của Liên Xô dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Và, các thỏa thuận này đã không được ghi lại bằng văn bản ở bất cứ nơi đâu.
Nghi vấn này đã được nguyên soái Akhromeev, các ủy viên Bộ Chính trị Nikolai Ryzhkov và Yegor Ligachev nhiều lần đưa ra. Tuy nhiên, họ không có trong tay bất kì bằng chứng nào.
Và cho đến nay, Gorbachev vẫn im lặng khi được hỏi về vấn đề này. Ở phía bên kia, cho đến khi mất, Tổng thống Reagan cũng không một lần hé miệng về cuộc gặp bí mật năm 1986.
Tổng bí thư ĐCSLX Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Ảnh: Blinklearning.
Những điều không ghi trong biên bản
Điều bí mật này đã được ông Alexandr Yakovlev, một trong những "kiến trúc sư" của chính sách cải tổ, người cực kỳ thân cận với Gorbachev hé mở không lâu trước khi mất.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Kommersant-Vlast, Yakovlev đã đưa ra một thông tin quan trọng. Là người trong cuộc, ông này cho biết các cuộc đàm phán ở Reykjavik được tiến hành theo hai hình thức: chính thức và bí mật. Các cuộc chính thức được ghi lại trong biên bản, còn các cuộc gặp bí mật thì không.
Ông Yakovlev trả lời phỏng vấn:
"Tôi chứng kiến Gorbachev và Reagan thỏa thuận cần phải biến cả khối Warsaw và NATO thành các tổ chức chính trị. Điều này không được ghi trong biên bản, và người Mỹ sau đó lừa dối chúng ta. Chúng ta đã giải thể khối Hiệp ước Warsaw, còn Mỹ lại bắt đầu củng cố khối NATO. Sự lừa dối trắng trợn. Người Mỹ nói rằng không có thỏa thuận nào như vậy. Vâng, không có thỏa thuận như vậy, nhưng hai bên đã nhất trí như vậy. Có sáu người có mặt hôm đó: Reagan, Gorbachev, ngoại trưởng Shevardnadze, tôi và hai phiên dịch".
Trở về Liên Xô từ Hội nghị thượng đỉnh ở Reykjavik, ngày 10/11/1986, Gorbachev vội vã triệu hồi lãnh đạo các nước XHCN đến họp ở Moskva. Tại cuộc họp, Gorbachev tuyên bố các nước XHCN đang phải đối mặt với một sự lựa chọn: hoặc là "phải chứng tỏ sự ưu việt của chế độ chúng ta", hoặc là tụt hậu.
Tổng bí thư ĐCSLX tuyên bố chỉ có một cách duy nhất : đó là phải đề cao yếu tố con người, phải dân chủ hoá xã hội. Tức là, các nước cũng phải tiến hành cải tổ.
Đáng chú ý hơn, tại cuộc họp này, Gorbachev tuyên bố mỗi đảng và lãnh đạo các nước phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì xảy ra ở nước mình. Thông điệp của Gorbachev đã rõ ràng: Các nước anh em hãy tự "bơi", Liên Xô sẽ không giúp đỡ hay can thiệp vào tình hình của các nước XHCN nữa.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là Liên Xô đã chối bỏ nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ hệ thống XHCN, nguyên tắc đã được ghi rõ trong Hiệp ước Warsaw. Bằng tuyên bố đó, Gorbachev đã thực hiện những gì đã hứa hẹn ngầm với Reagan ở Reykjavik.
Tổng bí thư ĐCSLX Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987. Ảnh: Reuters.
Bật đèn xanh cho ly khai
Điều lưu ý là ngay thời điểm 1986, Gorbachev đã lộ rõ ý đồ "bán đứng" CHDC Đức, đồng minh thân cận nhất của mình trong khối XHCN ở Đông Âu. Theo Valentin Falin, cố vấn đối ngoại của Gorbachev (sau này là trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng từ năm 1988) thì ý đồ đó đã lộ rõ sau Hội nghị thượng đỉnh Xô-Mỹ, khi ngoại trưởng Eduard Shevardnadze nói đến sự cần thiết phải sáp nhập hai nước Đức, với các điều kiện ưu tiên cho Tây Đức.
Không những vậy, theo nhà sử học Ostrovsky, Gorbachev còn "bật đèn xanh" cho 3 nước CH vùng Baltich (Estonia, Latvia, Litva) ly khai khỏi Liên Xô. Trong cuốn sách của mình, Ostrovsky viết:
"Theo cựu chủ tịch KGB Estonia, tướng K.E. Kortelainen, vào năm 1986, KGB Estonia đã nhận được thông tin tình báo từ Reykjavik, theo đó lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết đã thảo luận số phận của các quốc gia Baltic. Và Gorbachev đã hứa với tổng thống Mỹ rằng ông sẽ không can thiệp vào các quốc gia Baltic và sẽ cho phép các nước cộng hòa này tách ra. Thông tin này đã được gửi đến trụ sở KGB ở Moskva, nhưng rõ ràng nó đã không được xử lý".
Trước đó, mùa hè năm 1986, ở các nước vùng Baltic bỗng xuất hiện nhóm "Helsinki - 86". Ngày 6/7, nhóm này gửi đến Gorbachev đề nghị hãy để người dân Latvia quyết định ở lại hay tách ra khỏi Liên Xô. Ostrovsky viết:
"Sau đó, vào tháng 8, tháng 9 năm 1986, Valentin Falin (cố vấn đối ngoại của Gorbachev) đệ trình lãnh đạo Liên Xô một văn bản nêu rõ sự cần thiết xem xét lại tính pháp lý các văn bản thỏa thuận năm 1939 giữa Liên Xô và Đức. Sau khi phân tích 'tình hình ở các nước vùng Baltic', tác giả nói đến tính cấp thiết (mặc dù khi đó ở các nước Baltic mọi việc chưa có gì gọi là cấp thiết) và nêu rõ sự cần thiết thay đổi chính sách của Liên Xô đối với khu vực này".
Cố vấn đối ngoại Valentin Falin là một con người lọc lõi. Ông ta phải biết việc đưa vấn đề này ra công khai thảo luận sẽ làm cho tình hình thêm rối loạn. Vấn đề không chỉ liên quan đến các nước vùng Baltich, mà còn liên quan đến cả các vùng miền tây Belarus, tây Ukraine và Moldavia.
Nếu như thừa nhận các văn bản ký giữa Liên Xô và Đức năm 1939 là không có tính pháp lý, thì điều đó sẽ dẫn đến việc công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ trên vào Liên Xô là trái luật.
Và sau đó, điều gì phải xảy ra đã xảy ra, như chúng ta đã biết. Chính từ thời điểm Liên Xô "công khai hóa" các phụ lục của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939 phân chia vùng ảnh hưởng của Liên Xô và Đức, một làn sóng phản đối, đòi ly khai ở các nước vùng Baltic và Moldavia đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng trào dâng mạnh mẽ.
Thay đổi hầu hết lãnh đạo báo chí tư tưởng
Cũng trong năm 1986, để dọn đường cho việc tuyên truyền các chính sách của mình, Gorbachev đã tiến hành việc "thay máu" hầu hết lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật, các hãng tin và các cơ quan báo chí chủ chốt của Liên Xô.
Cuốn sách "Sự ngu muội hay phản bội? Điều tra về sự sụp đổ của Liên Xô" của tác giả Aleksandr Ostrovsky.
Một năm sau khi Gorbachev lên nắm quyền Tổng bí thư, tháng 3/1986 Đại hội lần thứ 27 của ĐCSLX đã được tổ chức. Ngay sau Đại hội, Gorbachev triệu tập lãnh đạo các cơ quan truyền thông hàng đầu Liên Xô, tuyên bố hiện tình đất nước rất gay go và tụt hậu so với phương Tây về tất cả mọi mặt.
Và trong khi lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền hình Liên Xô chưa hết bàng hoàng bởi tuyên bố đó, thì việc "thay máu" đã ngay lập tức diễn ra ồ ạt. Không chỉ trong lĩnh vực truyền thông, mà là trong tất cả lĩnh vực liên quan đến văn hóa tư tưởng.
Nhà sử học Aleksandr Ostrovsky viết:
"Tháng 3/1986, Valentin Falin trở thành giám đốc mới của hãng tin APN. Valentin Falin không chỉ thân thiết với Gorbachev, mà còn với Willy Brandt, một trong các tác giả của Hiệp ước Xô-Đức năm 1970."
Ngày 13/5/1986, Đại hội điện ảnh Liên Xô lần thứ 5 khai mạc. Ngày 24/6 cùng năm, Đại hội lần thứ 8 Hội nhà văn Liên Xô cũng đã được diễn ra. Cuối tháng 10/1986, đến lượt Đại hội lần thứ 15 của Hội sân khấu được tổ chức. Kết quả là lãnh đạo của 3 Hội này đều được thay mới hoàn toàn.
Còn trong lĩnh vực tuyên truyền thì lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu được thay cấp tập. Đầu năm 1986, M.N.Poltoranin được chỉ định làm Tổng biên tập báo "Sự thật Moskva", thay cho V.Markov. Tháng 6 cùng năm, đến lượt Tổng biên tâp tờ "Tin tức Moskva" bị thay thế. Tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" cũng có Tổng biên tập mới là V.Korotich. Các tạp chí lý luận hàng đầu như "Thế giới mới", "Ngọn cờ" cũng tiến hành thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất, đều là những người thân cận với Gorbachev và Yakovlev.
Trong hồi ký của mình, nhà ngoại giao Mỹ, George Matlock đã nhận xét về "công tác nhân sự" này:
"A.N.Yakovlev, người phụ trách tuyên giáo của Đảng CSLX thời đó đã đóng vai trò chính trên mặt trận này của công cuộc cải tổ. Trước đại hội Đảng lần thứ 27 (1986) đã bắt đầu sự thay đổi lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng. Mùa hè năm 1986, ông ta báo cáo Bộ Chính trị, rằng "90% cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực này đã được thay thế".
Những người được thay thế là ai? Có thể đơn cử trường hợp Vitaly Korotich, người được bổ nhiệm làm Tổng biên tập mới của tờ tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" danh tiếng giàu truyền thống. Việc đầu tiên của Korotich là xóa bỏ hình ảnh huân chương Lenin ra khỏi trang bìa của tờ tạp chí này.
Những kẻ như Korotich, lợi dụng danh nghĩa công khai, đổi mới đã liên tục đăng tải các thông tin bôi nhọ các nhà lãnh đạo và chính quyền Xô viết, gây ra tâm lý bất an, chán nản và thiếu niềm tin trong công chúng, đây là những tiền đề dẫn đến sự tan rã của Liên Xô sau này.
Về Yakovlev, người được coi là "kiến trúc sư của cải tổ", kẻ chủ xướng việc thay máu lãnh đạo các cơ quan báo chí Liên Xô với sự hậu thuẫn của Gorbachev thì sau này đã được chính Valentin Falin, nguyên cố vấn đối ngoại của Gorbachev vạch rõ chân tướng trong một bài phỏng vấn báo Tuyệt Mật số 3/380 ra ngày 3/3/2016. Ông này vừa qua đời tại Moskva hôm 22/2 vừa qua ở tuổi 92.
Theo Falin, thì ngay từ năm 1961, Yakovlev đã là tay trong của Mỹ. Ông ta từng là đại sứ Liên Xô tại Canada trong vòng 10 năm. Yakovlev không chỉ là "điệp viên Mỹ" theo nghĩa thông thường của khái niệm này. Chủ tịch KGB thời đó là Vladimir Kryuchkov đã từng đem các bằng chứng liên quan đến Yakovlev đến truy vấn chính ông này. Đáp lại, Yakovlev chỉ một mực im lặng.
Khi Kryuchkov tiếp tục báo cáo với Gorbachev, ông này chỉ mím môi, rồi nói ai chẳng có những sai lầm thời trẻ. Gorbachev nói: "Yakovlev, đó là người mà công cuộc cải tổ đang cần, đất nước đang cần và cần phải để cho ông ấy tham gia chính trường ở đỉnh cao". Và như chúng ta đã biết, Gorbachev và Yakovlev đã làm những gì với đất nước Liên Xô sau đó.
Cũng trong bài phỏng vấn này, Valentin Falin, mặc dù đương thời được Gorbachev ưu ái như vậy (năm 1990-1991 Falin là Bí thư Đảng CSLX), nhưng cuối đời cũng phải chua chát nhận xét:
"Gorbachev là một con "bọ đục thân" của đất nước ta. Ông ta đã hành động theo lời của Clausewitz (nhà lý luận quân sự nổi tiếng người Phổ TK19) : nước Nga chỉ có thể bị đánh bại từ bên trong. Và ông ta đã thỏa nguyện, đục hết cội rễ, khiến cây khô và chết. Ông ta được giúp đỡ bởi Eduard Shevardnadze, Alexandr Yakovlev và những người thân cận khác".
Tác giả Aleksandr Ostrovsky
Aleksandr Ostrovsky (1947-2015) là tác giả cuốn "Sự ngu muội hay phản bội? Điều tra về sự sụp đổ của Liên Xô".
Ông là giáo sư, tiến sĩ sử học, đồng thời là tác giả các cuốn sách nghiên cứu :"Ai đã đặt hàng Gorbachev?", "1993" Phát đạn vào Nhà Trắng", "Sự ngu muội hay phản bội? Điều tra về sư sụp đổ của Liên Xô", "Ai đã đứng sau Stalin".