Vì sao ông Yeltsin có cơ hội "đòi Crimea" từ tay Ukraine khi Liên Xô chuẩn bị sụp đổ nhưng lại bỏ lỡ?

Hồng Anh |

Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã có cơ hội đòi lại Crimea từ tay Ukraine khi Liên Xô chuẩn bị sụp đổ, theo Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng bán đảo Crimea lẽ ra đã phải trở về với Nga từ thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin.

Cụ thể, ông Pushkov đã chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này trên mạng xã hội Twitter hôm 8/12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 28 năm ngày các lãnh đạo Nga, Ukraine và Belarus ký kết Hiệp ước Belovezh.

Chính trị gia này cho rằng vào thời điểm đó, vị Tổng thống đầu tiên của Ukraine đã sẵn sàng trả lại bán đảo Crimea cho Nga để đổi lấy sự độc lập cho đất nước mình:

"Ông Yeltsin đã có cơ hội thỏa thuận về điều kiện độc lập với Ukraine để lấy lại bán đảo Crimea", ông Puskov viết. "Thế những ông Yeltsin chỉ lo lắng về duy nhất một điều: Đó là khi Liên Xô bị giải tán, ông ấy phải tìm cách đuổi [ông Mikhail] Gorbachev khỏi Điện Kremlin. Ông ấy đâu có quan tâm gì tới Crimea".

Trước đó, ông Pushkov cũng từng đưa ra bình luận đanh thép trên Twitter cá nhân về một phát biểu của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Ngoại trưởng Ukraine Vadim Pristaiko về một kế hoạch nhờ Mỹ-NATO đòi Crimea và giải quyết xung đột ở Đông Ukraine.

Chính khách này khẳng định kế hoạch trên là bất khả thi, và "tất cả chỉ là chuyện trong tưởng tượng của Kiev", bởi Mỹ hay NATO đều không có sức và cũng không có ý định giúp Ukraine làm điều đó.

Ngày 8/12/1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsinm Tổng thống Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk và Chủ tịch Quốc hội Belarus Stanislav Shushkevich đã ký kết một hiệp ước về việc giải thể Liên Xô và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) tại Công viên Quốc gia Belovezh của Belarus.

Tháng 3/2014, bán đảo Crimea đã tái sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, đến nay Ukraine, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây vẫn phủ nhận chuyện sáp nhập này. Nước Nga cũng đang phải gánh chịu nhiều lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây từ sau sự kiện sáp nhập Crimea.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại