Nhìn lại 70 năm đối đầu chính trị-quân sự giữa Nga và NATO

Đại tá Lê Thế Mẫu |

Ngày 4.4.2019, tại Washington, NATO kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trong bối cảnh cục diện chính trị-an ninh thế giới đã trải qua những biến chuyển lớn, sâu sắc và căn bản so với thời điểm khai sinh tổ chức này, trong đó đáng chú ý nhất là sự tan rã của Liên Xô và sự trỗi dậy ngày một mạnh mẽ và tự tin của nước Nga-hai đối thủ chính trị-quân sự chủ yếu của NATO.

Nhìn lại 70 năm thành lập và phát triển của NATO

NATO là tên gọi tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization)-một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được 12 quốc gia ký kết văn kiện thành lập vào ngày 4.4.1949, gồm Mỹ, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Canađa, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Ai len, Lucxămbua, Bồ Đào Nha và Italia.

Do Mỹ lãnh đạo và nắm quyền chỉ huy, NATO có vai trò và chức năng tăng cường ảnh hưởng chính trị-quân sự của Hoa Kỳ ở Châu Âu, ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, đồng thời kiềm chế nhằm không để cho nước Đức phát triển thành cường quốc quân sự trong kỷ nguyên sau Thế Chiến II.

Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, để đối phó với nguy cơ từ NATO, năm 1955 các nước xã hội chủ nghĩa quyết định thành lập Hiệp ước phòng thủ Warsaw gồm 8 nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội ở Trung và Đông Âu, gồm Liên Xô, Albani (rút khỏi năm 1968), Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungary, Rumania và Tiệp Khắc.

Nhìn lại 70 năm đối đầu chính trị-quân sự giữa Nga và NATO - Ảnh 1.

Với mục đích để Liên Xô đồng ý cho hai miền nước Đức thống nhất, các lãnh đạo phương Tây đã hứa với tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng thêm một inch nào về phía Đông.

Cũng trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, NATO kết nạp thêm các nước Hy Lạp (1952), Thổ Nhĩ Kỳ (1952), Đức (1955), Tây Ban Nha (1982), nâng số thành viên lên tới 15 nước. Sau Chiến Tranh Lạnh , NATO mở rộng thêm các nước Ba Lan, Sec, Hungary, Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Rumania, Slovakia, Slovenia, Croatia, Albani và Montenegro.

Sau Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, còn Hiệp ước phòng thủ Warsaw cũng bị giải thể.

Thế nhưng NATO không những không bị giải thể mà còn tiếp tục mở rộng và phát triển từ một tổ chức có chức năng phòng thủ trên lãnh thổ Châu Âu trở thành công cụ để Mỹ thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu.

Do không còn bị một quốc gia nào có khả năng kiềm chế và ngăn chặn, NATO do Mỹ đứng đầu đã đơn phương phát động và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, trong đó đa số đã vượt ra khỏi phạm vi và chức năng phòng thủ của tổ chức này ở Châu Âu.

Đó là, chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991), chiến tranh Bosnia-Herzegovina (từ năm 1992 tới năm 1995), chiến tranh Nam Tư (năm 1999), chiến tranh Afghanistan (năm 2001), chiến tranh Iraq (năm 2003), chiến tranh Libya (năm 2011) và chiến tranh Syria (từ năm 2011 tới nay 2018).

Trong đó đáng chú ý nhất là chiến tranh Nam Tư-một cuộc chiến tranh bùng phát lần đầu tiên giữa lòng Châu Âu kể từ sau Thế Chiến II. Sau cuộc chiến tranh Nam Tư, trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập được tổ chức ở Washington, NATO chính thức tuyên bố chiến lược toàn cầu nhằm mở rộng vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động trên khắp thế giới.

Quan hệ thăng trầm NATO-Nga

Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của NATO là quan hệ với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Sau Chiến Tranh Lạnh, Nga không còn phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội và tình nguyện hội nhập vào không gian kinh tế-chính trị Phương Tây, giữa NATO và Nga diễn ra đồng thời hai quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

Về hợp tác, từ năm 1994 Nga bắt đầu tham gia Chương trình đối tác vì hòa bình do NATO đề xướng. Từ năm 1997, Nga tham gia Hội đồng hợp tác Bắc Đại Tây Dương, về sau đổi tên thành Hội đồng đối tác Châu Âu-Đại Tây Dương. Tháng 5.1997, tại Pari, Nga và NATO ký kết Định ước cơ bản Nga-NATO về quan hệ hợp tác và an ninh.

Sau sự kiện này, Nga và NATO thành lập Hội đồng phối hợp thường trực. Các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội đồng này được tổ chức theo công thức "NATO+1”. Năm 1998, Cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại NATO được thành lập.

Năm 2002, Nga và NATO ký Tuyên bố Roma về chất lượng mới của quan hệ NATO-Nga. Theo Tuyên bố này, ngày 28.5.2002, hai bên nhất trí thành lập Hội đồng Nga-NATO.

Ngày 8.2.2003, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Tổng thư ký NATO ký Văn kiện khung Nga-NATO về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm và cứu nạn các kíp lái tàu ngầm.

Năm 2004, Nga không chỉ tham gia các cuộc tập trận chung mà còn thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình chung với NATO.

Với một số nước thành viên NATO, Nga còn có các thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật-quân sự và cùng nghiên cứu chế tạo một số sản phẩm khác nhau dùng cho các mục đích quân sự.

Ngày 7.6.2007, Tổng thống Nga V.Putin ký Đạo luật Liên bang số 99 phê chuẩn Hiệp định giữa các quốc gia thành viên NATO và các quốc gia khác tham gia Chương trình đối tác vì hòa bình.

Từ đó, trong khuôn khổ các cuộc tiếp xúc NATO-Nga có nhiều nhóm công tác hoạt động trong một số lĩnh vực như hợp tác về không phận, hậu cần và phòng thủ tên lửa.

Năm 2008, Nga ký với Mỹ và Đức thỏa thuận về việc hai nước này được vận chuyển thiết bị quân sự quá cảnh qua lãnh thổ Nga để cung cấp cho quân đội của họ tham gia hỗ trợ lực lượng an ninh quốc tế ở Afghanistan.

Tính đến tháng 6.2012, thông qua lãnh thổ Nga bằng đường bộ và đường hàng không, NATO đã vận chuyển 379.000 binh lính và 45.000 container hàng quân sự để hỗ trợ các hoạt động tại Afghanistan.

Đầu tháng 2.2012, Nga chấp nhận thành lập một điểm quá cảnh hậu cần tại thành phố Ulianovsk phục vụ hoạt động của NATO ở Afghanistan.

Một trong những vấn đề hợp tác giữa Nga và NATO là thiết lập cơ chế phản ứng khẩn cấp khi có khủng hoảng và các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Về cạnh tranh trong quan hệ NATO-Nga, từ năm 2004 NATO ráo riết triển khai các căn cứ quân sự ở các nước thành viên có biên giới sát với Nga, ủng hộ các cuộc “cách mạng màu” trong không gian hậu Xô-viết, điển hình là ở Gruzia và Ukraine, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở các nước Trung Á nhằm hình thành vành đai bao vây nước Nga.

Năm 2008, sau cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia được NATO hậu thuẫn, Hội đồng Nga-NATO tạm ngừng hoạt động. Mãi tới tháng 12.2009, Hội đồng này tái khởi động trở lại.

Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại trước việc các lực lượng hải quân của NATO tăng cường hoạt động ở Biển Đen.

Trong khi đó, làn sóng ma túy từ Afghanistan ồ ạt tràn sang Nga kể từ khi NATO tham chiến ở quốc gia này từ năm 2001.

Theo cơ quan kiểm soát ma túy của Nga, thuốc phiện và các chế phẩm từ đó được sản xuất ở Afghanistan và được tung vào Nga là yếu tố gây bất ổn ngày càng nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh của Nga mà cả thế giới.

Kể từ năm 2001 khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, quốc gia Trung Á này chiếm 90 % thị trường ma túy ở Nga, còn các cánh đồng trồng thuốc phiện ở Afghanistan tạo ra nguyên liệu để sản xuất chất ma túy nhiều gấp 2 lần tổng sản lượng của toàn thế giới trước đó 10 năm.

Trong khi đó, NATO lại "bảo kê" cho các hoạt động trồng và chế biến ma túy ở Apganistan.

Đặc biệt, từ năm 2014, Mỹ và NATO gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó họ sử dụng các tổ chức phát xít mới và các lực lượng dân tộc cực đoan ở quốc gia này làm công cụ để tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Ukraine thân Nga, ông Yanukovich.

Các tổ chức phát xít mới ở Ukraine, trước hết là tổ chức Pravy Sector là một chi nhánh của đội quân bí mật của NATO mang tên Gladio được hình thành từ sau Thế Chiến II. Mục tiêu của “Gladio” trước đây là chống Liên Xô, còn hiện nay là chống lại Nga.

NATO đang theo đuổi kế hoạch biến lãnh thổ Ukraine thành một trung tâm huấn luyện các tổ chức khủng bố để tung vào hoạt động trên lãnh thổ Nga.

Trong hàng ngũ tổ chức Pravy Sector hiện nay ở Ukraine cả các chiến binh khủng bố thuộc mạng lưới “Al-Qaeda” đã từng chiến đấu trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Syria trong những năm 2011-2017 nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đặc trách chỉ huy các lực lượng đối lập ở Ukraine là Ban tham mưu các chiến dịch bí mật CAS (Covert Action Staff) thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Sau cuộc đảo chính trong tháng 2.2014 ở Ukraine, Mỹ và NATO dự tính sẽ đẩy Nga ra khỏi căn cứ quân sự Sevastopol thuê của Ukraine đến năm 2042.

Để làm thất bại toan tính này của Mỹ và NATO, Tổng thống Nga V.Putin quyết định ủng hộ người dân Cộng hòa tự trị Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập trở về Nga.

Trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu dân ý này, Tổng thống Nga V.Putin chấp nhận nguyện vọng của hơn 97% dân số Crimea đã quyết định đưa vùng đất này sáp nhập vào Nga. Từ đó, căn cứ quân sự Sevastopol vĩnh viễn thuộc về Nga.

Nhìn lại 70 năm đối đầu chính trị-quân sự giữa Nga và NATO - Ảnh 4.

Bộ binh Hải quân Biển Đen Nga tại eo biển Kerch.

Bị thất bại trong toan tính chống phá Nga ở Ukraine, Mỹ và NATO áp đặt các biện pháp cấm vận Nga, đẩy quan hệ Mỹ-Nga và NATO-Nga tới mức thấp nhất kể từ sau Chiến Tranh Lạnh.

Trong bối cảnh đó, Mỹ và NATO coi Nga là “nguy cơ xâm lược”, ráo riết đưa căn cứ quân sự của NATO tới sát biên giới Nga và xúc tiến thực hiện kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.

Phía Nga đã nhiều lần đề nghị NATO cam kết bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đó không nhằm chống lại Nga, nhưng đến nay Mỹ và NATO vẫn một mực khẳng định lá chắn tên lửa ở Châu Âu chỉ nhằm đối phó với nguy cơ tên lửa từ Iran và Triều Tiên.

Tổng thống Nga V.Putin đã không ít lần thẳng thừng bác bỏ lập luận vô căn cứ này của NATO. Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga hủy bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung để tái bố trí vũ khí hạt nhân thế hệ mới ở Châu Âu.

Theo Học thuyết quân sự của Nga, lực lượng vũ trang Nga được tổ chức theo nguyên tắc phòng thủ, không đe dọa sử dụng vũ lực và chủ trương ngăn chặn xung đột nhằm bảo vệ hòa bình và các lợi ích quốc gia của Nga, các đồng minh (bao gồm các lợi ích của công dân, xã hội và nhà nước) khi các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp lý và các biện pháp phi bạo lực khác không có tác dụng.

Cũng theo học thuyết này, Nga coi việc NATO sử dụng năng lực quân sự tiềm tàng để đơn phương phát động nhiều cuộc chiến tranh là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Dựa trên học thuyết quân sự, chính sách đối ngoại của Nga đối với NATO là đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nhằm xây dựng nền an ninh tập thể, cùng nhau củng cố vai trò của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE).

Nga cho rằng quyết định của NATO kết nạp các thành viên đã từng là những quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô-viết là hành động vi phạm Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu (CFE).

Ngoài ra, Nga cũng cáo buộc NATO không giữ đúng cam kết về duy trì mức trần về số lượng vũ khí thông thường ở Châu Âu.

Nga cho rằng, việc NATO mở rộng về phía Đông đã tái khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, thu hẹp không gian an ninh và không gian sinh tồn của Nga, làm thay đổi căn bản cục diện an ninh và địa chính trị không chỉ ở Châu Âu mà cả trên phạm vi thế giới.

Đã đến lúc cần phải giải thể NATO

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, ông Jens Stoltenberg-Tổng thư ký của tổ chức này nhận định, NATO đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Đó là, thách thức từ “hành động quyết đoán” của Nga; sự trỗi dậy mạnh mẽ mang tính chất cường quyền của Trung Quốc; cán cân sức mạnh toàn cầu đang thay đổi; cuộc chiến chống khủng bố có thể kéo dài cả một thế hệ; nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên không gian mạng; trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn đang tạo ra những thay đổi căn bản; cuộc khủng hoảng di cư; khủng hoảng năng lượng.

Ngoài ra, NATO đang đứng trước thách thức từ sự chia rẽ nội bộ sâu sắc, trong đó có sự bất đồng gay gắt liên quan tới thành viên của tổ chức này là Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ rút khỏi NATO nếu bị Mỹ và các đồng minh cấm vận liên quan tới quyết định này.

Rõ ràng, ngoài thách thức bị thổi phồng và giả tạo từ “hành động quyết đoán” của Nga và sự chia rẽ nội bộ, tất cả những thách thức khác cũng là thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ đối với NATO.

Có thể vì thế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố rằng NATO là một tổ chức đã lỗi thời, thậm chí ông còn đe dọa sẽ đưa Mỹ rút khỏi tổ chức này.

Đứng trước sự chia rẽ quan hệ giữa Mỹ và NATO, lãnh đạo nhiều nước thành viên ở Châu Âu, trước hết là Pháp và Đức, đề xuất sáng kiến xây dựng Quân đội Châu Âu độc lập với NATO để “tự bảo vệ lấy mình”. Tổng thống Nga V.Putin ủng hộ ý tưởng này.

Nhân sự kiện NATO kỷ niệm 70 năm thành lập, nghị sỹ Quốc hội Đức Alexander Noah trong bài viết trên trang “Die Freiheitsliebe” đưa ra nhận định, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng NATO đã lỗi thời là hoàn toàn chính xác.

Theo ông Alexander Noah, đã đến lúc NATO cần phải được giải thể và thay thế bằng một hệ thống an ninh tập thể mới ở Châu Âu mà trong đó nước Nga đóng vai trò không thể thiếu và hoàn toàn xứng đáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại