Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu sớm để kịp xử trí

Mỹ An |

Những ngày gần đây các trường hợp nhập viện do mắc tay-chân-miệng ngày càng gia tăng. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh là sốt, mụn nước mọc quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí cả họng.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh chân tay miệng

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Bệnh thường có những dấu hiệu khác nhau tùy vào từng giai đoạn cụ thể của bệnh.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh

Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết và bao gồm:

– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Các giai đoạn của bệnh tay-chân-miệng

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng từ từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh:

- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

- Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu sớm để kịp xử trí - Ảnh 1.

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng từ từ 3-7 ngày.


Bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em cần kiêng gì?

Cách ly trẻ

Bệnh chân tay miệng rất dễ lây lan vì vậy khi bé mắc bệnh, cha mẹ cần sớm cách ly con với người xung quanh.

Nếu bé đang đi học thì hãy xin phép thầy cô để nghỉ ở nhà cho đến khi khỏe hẳn. Khi ở nhà bé nên ở trong phòng riêng, môi trường vệ sinh sạch sẽ và chế độ chăm sóc phù hợp sẽ giúp bé hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Không cho con ăn thức ăn đặc, cay, nóng

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bé có sức đề kháng tốt hơn để chống chọi với bệnh tật. Vì vậy mẹ không nên cho bé ăn đồ ăn đặc hoặc cay nóng vì sẽ khiến miệng con bị đau đớn, khó chịu. Các loại thực phẩm chua nhiều axit như cam, chanh cũng nên hạn chế.

Bởi vì khi bị đau sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bỏ ăn khiến sức khỏe suy giảm. Mẹ hãy nấu mềm thức ăn và để nguội cho bé ăn. Đồng thời cho con uống thêm khoáng chất và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không ép trẻ ăn

Khi con từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép vì sẽ khiến bé sợ hãi. Thay vào đó có thể cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để bù lại. Mẹ cũng chú ý cho con ăn thêm nhiều hoa quả trái cây để tăng cường vitamin. Với các bé đang bú mẹ thì cần cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.

Không cần kiêng nước

Khi bé mắc bệnh, ba mẹ vẫn tắm gội cho bé bình thường bằng nước ấm. Nhẹ nhàng lau rửa cho con để không làm vỡ các bọng nước. Việc tắm gội sạch sẽ hạn chế vi khuẩn giúp bé mau lành bệnh. Phòng tắm nên kín và được vệ sinh sạch sẽ.

Không dùng chung đồ chơi

Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu sớm để kịp xử trí - Ảnh 2.

Không dùng chung đồ chơi khi đang mắc bệnh tay chân miệng.


Cha mẹ tuyệt đối không chia sẻ đồ chơi của con với các bé khác để phòng tránh lây lan bệnh. Khi bé bị tay, chân miệng mẹ cũng không nên cho bé ngậm đồ cắn hay ti giả. Các đồ dùng của bé phải được thường xuyên khử trùng và vệ sinh.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Khi bé mắc bệnh sẽ thường đau nên hay quấy khóc không chịu ngủ. Vì vậy mẹ cần dỗ dành, an ủi để bé ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi mới nhanh chóng lành bệnh. Đồng thời mẹ cũng cần theo dõi giấc ngủ của con để xem con có giật mình, khó chịu hay có dấu hiệu biến chứng gì không.

Để phòng bệnh lây lan trong cộng đồng, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

(T/h)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại