Sẽ có nhiều thay đổi trong công tác tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và bà mẹ
Tại hội nghị phòng chống sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè năm 2018 tổ chức ngày 21-3, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết các nghiên cứu dịch tễ gần đây cho thấy có một tỉ lệ rất lớn trẻ mắc sởi là đối tượng dưới 8 tháng tuổi, trong khi đó thông thường trước 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ tốt vì có kháng thể từ mẹ truyền cho con qua sữa mẹ.
Hiện các viện chức năng của Bộ Y tế đang nghiên cứu để đẩy sớm lịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ.
Theo đó, thay vì 9 tháng mới được tiêm vắc-xin này, trẻ từ 6 tháng tuổi đã đủ tiêu chuẩn tiêm chủng vắc-xin. Ngoài ra, năm 2018, Bộ Y tế cũng nghiên cứu mở rộng đối tượng tiêm chủng vắc-xin ho gà cho phụ nữ mang thai.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều trẻ mắc ho gà khi chưa đến tuổi tiêm phòng, cho thấy miễn dịch từ mẹ truyền cho trẻ rất kém mà nguyên nhân do người mẹ chưa có kháng thể với bệnh hoặc chưa mắc bệnh.
Việc tiêm trong giai đoạn này nhằm đảm bảo người mẹ có kháng thể với ho gà, sau khi sinh sẽ truyền kháng thể cho con qua sữa mẹ, giúp trẻ không mắc ho gà trong thời gian chờ đợi đến tuổi tiêm chủng.
99% trẻ chưa tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh sởi
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cũng cho biết tại khu vực phía Nam cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh dưới độ tuổi tiêm chủng (vắc-xin sởi và ho gà) có xu hướng gia tăng do miễn dịch cộng đồng giảm. Tức là trẻ bị sởi khi dưới 9 tháng tuổi và mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi.
Một trong những nguyên nhân do tỉ lệ cộng đồng có miễn dịch với căn bệnh này còn chưa cao nên nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ chính ông bà, bố mẹ là những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ.
"Ở người lớn, nếu mắc bệnh biểu hiện có thể không rõ ràng nhưng đặc biệt với trẻ sinh, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi, mắc bệnh ho gà nguy cơ biến chứng rất cao.
Do đó, việc bao phủ đối tượng tiêm chủng là vô cùng quan trọng trong phòng chống các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin"- PGS Lân nhấn mạnh.
Nhiều trẻ sơ sinh mắc ho gà có biến chứng rất nặng
Ông Trần Như Dương, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã ghi nhận 90 ca mắc sởi. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ trên 15 tuổi, người lớn và người lao động.
Khi người lớn không có miễn dịch với sởi thì trẻ sơ sinh cũng không thể tránh khỏi căn bệnh này.
Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng của người bệnh cũng như lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Đáng ngại, bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được hơn 95% tỉ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc-xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.
Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.
Theo quy định của Bộ Y tế các bệnh sởi, viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella là 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc tiêm vắc-xin phòng bệnh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi.
Tất cả trẻ tiêm 10 vắc-xin này đều được miễn phí do ngân sách nhà nước chi trả.