Chiều 29-9, BS Trịnh Nguyễn Hưng, đơn vị Nội soi BV Nhân dân 115, cho biết thông tin trên. Mới đây, BV Nhân dân 115 tiếp nhận anh ĐVD (25 tuổi, ở tỉnh Long An) trong tình trạng đau vùng bụng.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ (BS) phát hiện chiếc răng giả trôi xuống ống tiêu hóa nên nhanh chóng dùng snare gắp qua ngã nội soi.
Tương tự, ông HVH (62 tuổi, ở TP.HCM) cũng được người nhà đưa vào BV Nhân dân 115 trong tình trạng đau vùng bụng dữ dội. Qua nội soi, các BS phát hiện chiếc răng giả “đi lạc” trong ống tiêu hóa và đã xử lý ngay.
Theo BS Hưng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng răng giả “đi lạc” vào bụng như răng gắn không chặt, sặc nước, say rượu bia… “Biến chứng có thể gây khó thở hoặc ngạt thở nếu hàm giả án ngự tại vùng hạ họng-thanh quản.
Răng giả sẽ làm trầy xước khi di chuyển trong lòng thực quản và tiếp tục gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Chẳng hạn gây chảy máu lòng thực quản, thủng động mạch chủ, viêm trung thất hoặc áp xe trung thất, thậm chí có thể tử vong” – BS Hưng lưu ý.
“Những người lắp răng giả cần cẩn trọng nhai kỹ, uống chậm, không vội vàng khi đang ăn uống, nhất là với những người đeo răng giả có thể tháo rời.
Bên cạnh đó, nên kiểm tra răng giả định kỳ vì khuôn nhựa hàm giả lão hóa, mòn, dễ rơi khỏi hàm thật khi ăn vội, nhai thức ăn cứng. Ngoài ra lúc ngủ cũng nên tháo bỏ răng giả để tránh răng vô tình rớt ra và lọt vào đường thở” - BS Hưng khuyến cáo.