Mới đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương) tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.O (SN 1966, quê Hải Dương) bị phù não do biến chứng của ấu trùng sán lợn trong não.
Theo lời bệnh nhân, bà có tiền sử mắc bệnh tiền đình, rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não. Trước Tết, khi đang ngủ đến 4h sáng, bà O dậy đi vệ sinh thì bị ngã quỵ. Sau đó bà được gia đình đưa đi bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành chụp cộng hưởng từ, phát hiện bà O có ấu trùng sán lợn trên não. Bà được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Sau đó, bà được chuyển qua Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị cho những đợt tiếp theo.
"Vừa qua, tôi xuống viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tưởng chỉ cần lấy thuốc sẽ được về nhà, nhưng các bác sĩ phát hiện não tôi bị phù do biến chứng của sán lợn nên phải nhập viện điều trị và theo dõi thêm", bà O chia sẻ.
Nói về thói quen ăn uống, bà O cho biết bản thân ăn uống rất sạch sẽ nhưng thường xuyên mua tiết canh về nhà tự đánh để ăn.
Bà O được chỉ định nhập viện vì biến chứng phù não. Ảnh: Lê Liên
Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân O, Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện được 2 đợt thuốc từ sau Tết đến nay. Tuy nhiên, mới đây bệnh nhân xuất hiện tình trạng phù não. "Nếu tình trạng bệnh nhân tê bì chân, đau đầu thì cần phải được can thiệp sử dụng thuốc chống phù não", BS Phương nói.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T.V.M (38 tuổi, Hải Phòng) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn nghèo như giun bò. Bác sĩ xác định anh M nhiễm giun đũa chó mèo, nguyên nhân từ việc anh M tiếp xúc với thú cưng.
Tuy nhiên, hơn chục năm qua, anh M lại nghĩ bản thân mắc bệnh da liễu, vì anh thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ. Anh đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng nhưng không thấy bệnh khỏi dứt điểm.
"Lúc nào tôi cũng luôn mang bên mình lọ thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay nhưng chỉ đỡ ngứa đi chứ không khỏi hẳn. Tôi cảm thấy rất phiền toái về bệnh này", anh T.V.M cho hay.
Anh M cho biết anh là một người rất thích chó và nuôi chó hơn chục năm nay. Anh cũng không nghĩ bệnh của mình là từ thú cưng lây truyền sang.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, trong những năm trở lại đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não. Những bệnh nhân này từng đi khám ở rất nhiều các cơ sở y tế nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Thậm chí, có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm, khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thì đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng suốt đời (giảm thị lực, co giật như động kinh....).
"Hoặc có những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng từ chó mèo như bệnh nhân T.V.M dễ bị nhầm lẫn, thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch nhưng điều trị bệnh không thuyên giảm. Mặc dù bệnh ngứa không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều bệnh nhân cho biết lúc nào cũng phải mang bên mình hộp thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay", TS Thọ cho hay.
Phòng tránh nhiễm ký sinh trùng
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Lê Liên
Theo BS Thọ, để hạn chế nhiễm ấu trùng sán, giun đũa chó mèo…, người dân nên:
- Ăn chín uống sôi, rửa rau sống trực tiếp trên vòi nước;
- Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo;
- Vệ sinh sạch sẽ chó mèo;
- Bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ;
- Tẩy giun định kỳ cho chó mèo.
"Nếu phát hiện có biểu hiện bất thường dưới da, u nhỏ trong cơ như hạt đậu tương hoặc hạt lạc, đau đầu, co giật, hay đã từng đi ngoài có đốt sán, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị bệnh kịp thời", BS Thọ nói.