Nhiều người lo ngại tiêm vắc xin Covid-19 ảnh hưởng quá trình dậy thì của trẻ: BS nói gì?

Ngọc Minh |

Hiện nay, rất nhiều cha mẹ lo ngại trước thông tin tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi có thể ảnh hưởng tới quá trình dậy thì, chức năng sinh sản.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện nhi Trung ương) cho biết vắc xin tiêm cho trẻ hiện nay có 3 loại: vắc xin mRNA, vắc xin bất hoạt, vắc xin tái tổ hợp.

Vắc xin mRNA đã được triển khai ở trên 50 quốc gia và riêng khu vực Tây Thái Bình dương đã có 20 quốc gia đã tiêm. Theo WHO, vắc xin bất hoạt đã được sử dụng tại Trung Quốc, Campuchia, UAE… Vắc xin tái tổ hợp được sử dụng tại Cuba, Venezuela.

Liên quan tới thông tin nhiều người lo ngại vắc xin mRNA ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và quá trình dậy thì của trẻ 5-11 tuổi, TS Ngãi cho biết: "Đây là một câu hỏi được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vắc xin mới chỉ phát triển trong một thời gian ngắn, đối tượng tiêm "nhạy cảm", trẻ chưa dậy thì từ 5-11 tuổi nên phụ huynh lo lắng là hiển nhiên.

Tuy nhiên, về mặt khoa học thì quá trình phát triển và đưa vắc xin sử dụng là rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Khi vắc xin được quyết định sử dụng cho con người thì phải đảm bảo được tính an toàn, hiệu quả phải được kiểm chứng. Về mặt lâu dài thì vắc xin vẫn tiếp tục được theo dõi và đánh giá".

Nhiều người lo ngại tiêm vắc xin Covid-19 ảnh hưởng quá trình dậy thì của trẻ: BS nói gì? - Ảnh 1.

TS. Lê Kiến Ngãi, ảnh Ngọc Minh.

Vắc xin mRNA bản chất là một RNA thông tin có chức năng, khi xâm nhập vào tế bào sẽ gắn với một thành phần của tế bào Ribôxôm protein. Quá trình này sẽ giúp tế bào tổng hợp được protein gai SAR-CoV-2 có thành phần kháng nguyên kích hoạt hệ miễn dịch của con người.

"Như vậy chức năng của mRNA gắn các Ribôxôm, tổng hợp protein và sẽ hết chức năng. Khi đã hết chức năng, mRNA sẽ được các enzym của tế bào tiêu huỷ. Như vậy, về mặt lý thuyết, mRNA sẽ không tác động tới nhân của tế bào. Như tôi phân tích về mặt khoa học thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì không có cơ chế ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền", bác sĩ Ngãi nói.

Theo TS Ngãi, để trẻ tiêm vắc xin Covid-19 an toàn thì các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh các mốc thời gian theo dõi sức khoẻ: 30 phút sau tiêm, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu, 1 tuần đầu và 28 ngày sau tiêm.

"Sau tiêm vắc xin phóng Covid-19 có thể có những thay đổi về nhịp tim nhanh, đau ngực, khó thở. Do vậy sau tiêm vắc xin, trẻ sẽ được khuyến cáo không hoạt động thể lực nặng (gây ra khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh) để tránh nhầm lẫn triệu chứng tai biến sau tiêm. Đồng thời các hoạt động thể lực gắng sức cũng có thể kích hoạt những phản ứng không mong muốn", TS Ngãi lưu ý.

GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định về tính an toàn của vắc xin Covid-19. Trước khi được sử dụng, vắc xin đã phải trả qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. 

Sau giai đoạn thử nghiệm này, vắc xin được đưa vào sử dụng và tiếp tục được theo dõi. Đối với vắc xin mRNA đã được tiêm và theo dõi cho nhóm người cao tuổi và hạ dần độ tuổi xuống 12-17 tuổi và 5-11 tuổi. Hiện vắc xin mRNA Pfizer và Moderna đã tiêm được hàng tỷ liều trên thế giới, nơi nào sau tiêm có những phản ứng bất thường đều được thông tin cho các tổ chức quốc tế.

"Nhiều người cho rằng đã mắc Covid-19 thì không cần tiêm chủng. Nhưng trên thực tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy mắc Covid-19 vấn tiêm chủng sau đó. Riêng với trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ nhưng vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 diễn biến nặng và phải nhập viện. Việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giảm nguy cơ này xuống mức tối thiểu, giúp trẻ yên tâm tới trường cũng như tham gia các hoạt động xã hội và giúp giảm sự lây nhiễm, tạo miễn dịch trong cộng đồng", ông Lân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại