Uống cà phê là thói quen của rất nhiều người. Cà phê đơn thuần không chỉ để giải khát mà còn là thức uống giúp nhiều người làm việc hiệu quả hơn.
Lợi ích cho tim mạch
Thói quen uống cà phê mỗi buổi sáng được chị Nguyễn Bích Thủy (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) duy trì hơn 5 năm qua. Chị Thủy cho biết uống cà phê giúp tỉnh táo, sáng suốt hơn khi làm việc. "Hôm nào tôi không uống cà phê là buổi trưa không thể tập trung làm việc, rất mệt mỏi. Mỗi ngày tôi uống khoảng 2 ly cà phê, 1 ly buổi sáng và 1 ly vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, một số người cũng khuyên không nên uống nhiều cà phê sẽ ảnh hưởng đến tim mạch. Điều này cũng khiến tôi hơi lo lắng" - chị Thủy băn khoăn.
Uống cà phê đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cùng tâm trạng với chị Thủy, bà Trần Thị Linh (55 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) cho biết mình cũng duy trì thói quen uống cà phê mỗi buổi sáng. Tuy nhiên gần đây, bà bị cao huyết áp nên chủ động ngưng cà phê dù bệnh đã được điều trị ổn định. "Tôi thích uống cà phê vào buổi sáng để tinh thần phấn chấn nhưng đọc các thông tin trên mạng bảo bị cao huyết áp không nên uống cà phê, tôi đành cố gắng bỏ thói quen này" - bà Linh nói.
Trước những thắc mắc trên, bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Ngoại lồng ngực, tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết nếu sử dụng cà phê hợp lý, uống liều lượng vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân mắc tim mạch, huyết áp thì nên cân nhắc.
Theo bác sĩ Linh, nếu bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp độ 1, 2 (nhẹ), đã điều trị bệnh ổn định, không có chỉ định phẫu thuật thì có thể uống 1 ly cà phê/ngày và nên uống vào buổi sáng. Không uống vào buổi chiều vì sẽ gây mất ngủ, khiến tình trạng bệnh tim nặng hơn.
"Riêng bệnh nhân suy tim độ 3, 4 (nặng, không thể làm việc), nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, huyết áp quá cao, không ổn định thì khi uống cà phê chắc chắn sẽ khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu" - bác sĩ Linh khẳng định.
Cùng quan điểm, BS-CK1 Cao Thị Lan Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết trước đây, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thường được khuyến cáo nên tránh tiêu thụ cà phê, do chất caffeine trong thức uống này có thể gây tăng huyết áp khiến tim đập nhanh hơn, dồn dập hơn. Tuy nhiên, một vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu việc uống cà phê mang lại lợi ích hay mang đến nguy cơ cho sức khỏe trái tim.
Theo đó, trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (European Society of Cardiology - ESC) năm 2022 cho thấy so với nhóm không tiêu thụ cà phê, nhóm tiêu thụ cà phê ít - trung bình có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 12%, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 17% và nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn 21%.
"Cà phê cải thiện tỉ lệ sống sót ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có thể liên quan đến tác dụng cải thiện chức năng nội mạc, tuần hoàn chất chống ôxy hóa, cải thiện độ nhạy cảm với insulin hoặc giảm viêm..." - bác sĩ Hương nhận định.
Uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày để có lợi sức khỏe?
Theo BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, trong cà phê có rất nhiều thành phần dinh dưỡng như: carbohydrate, protein (khoảng 12%), chất béo, vitamin (nhiều nhất là B6, có vai trò cực kỳ quan trọng cho việc dẫn truyền các tín hiệu thần kinh trong cơ thể); axit amin (tương tự có trong tổ yến); caffeine… Do đó, cà phê mang đến sự tỉnh táo, kích thích làm việc trí óc, giúp kháng viêm giảm đau, tác động tích cực đến hệ tim mạch, tăng sức bền…
Vậy uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe? Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết lượng cà phê uống mỗi ngày phụ thuộc vào tổng lượng caffeine có trong cà phê và các thức uống có caffeine. "Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người trưởng thành khỏe mạnh, giới hạn tối đa là 400 mg caffeine mỗi ngày" - bác sĩ Phương thông tin.
Bác sĩ Phương lưu ý lượng caffeine có trong một tách hay một gói cà phê thông thường có thể ít nhất là khoảng 50 mg cà phê (với cà phê hòa tan) và cao nhất khoảng hơn 100 mg (cà phê cappuccino). "Như vậy, một người trưởng thành không nên uống quá 4 tách cà phê/ngày tùy hàm lượng caffeine. Đặc biệt với những người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp… hoặc nhạy cảm với cà phê nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng" - bác sĩ Phương khuyến cáo.
Nên giảm lượng đường, sữa pha chung cà phê
Theo bác sĩ Cao Thị Lan Hương, uống cà phê đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe nhưng phải giảm lượng đường pha với cà phê. Bên cạnh đó, tránh thêm kem nhân tạo và hạn chế lượng sữa đặc pha với cà phê để tránh tăng mỡ máu.
"Các loại cà phê pha bằng máy tự động thường loãng hơn nhiều so với cà phê pha bằng phin có khi đến 5-6 lần. Điều này có nghĩa là 6 ly cà phê loãng này chỉ bằng một tách cà phê phin. Nếu nghiện cà phê đậm đặc, cũng không nên vượt quá 2 ly (đậm đặc) mỗi ngày. Nên dùng cà phê sạch, cà phê pha trộn thường sẽ kèm theo những hoạt chất có hại" - bác sĩ Hương khuyên.
Bác sĩ Hương cũng tiết lộ pha cà phê bằng bộ lọc giấy sẽ giúp giảm lượng cafestol (một chất trong cà phê làm tăng cholesterol máu) nhưng cho phép caffeine và chất chống ôxy hóa có lợi đi qua.
Nhiều nghiên cứu được công bố
Phòng bệnh tim mạch có lẽ là tác dụng có lợi của cà phê mà nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới chỉ ra nhất. Tháng 2 vừa qua, một nghiên cứu từ ĐH Bologna và Bệnh viện ĐH Sant’Orsola-Malpighi (Ý) trên hơn 1.500 người cho thấy việc uống 1-3 ly cà phê mỗi ngày không những không làm tăng huyết áp như lời đồn mà còn giúp người bệnh cao huyết áp giữ được chỉ số thấp hơn.
Trước đó, một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y học môi trường IUF-Leibniz (Düsseldorf- Đức) cho biết 4 ly cà phê mỗi ngày có thể giúp bảo vệ tế bào tim ở người bị béo phì, tiền tiểu đường, thậm chí phục hồi một số tổn thương cơ tim.
Nghiên cứu khác từ ĐH São Paulo (Brazil) cho biết chỉ 3 ly/ngày giúp đánh bại các mảng bám lòng mạch, thứ gây xơ vữa động mạch và có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ. Với 2-6 ly cà phê hoặc trà mỗi ngày, các nhà khoa học của ĐH Y khoa Thiên Tân (Trung Quốc) khẳng định người dùng giảm được tới 32% nguy cơ đột quỵ.
Trong khi đó, nghiên cứu năm 2011 của ĐH Edith Cowan (Úc) cho biết cà phê còn tác dụng lên vấn đề gây tử vong sớm, không thuốc chữa và ngày một phổ biến: Sa sút trí tuệ. Họ khuyên nên giữ thói quen uống 2 ly/ngày.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra tác dụng có lợi của thức uống này lên các bệnh gan, thận, ung thư, cải thiện sức khỏe tình dục - sinh sản thông qua việc giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn.
Đây cũng là thức uống "vàng" cho những người đang vật lộn với các rắc rối tâm lý, đặc biệt là bệnh trầm cảm. Vào năm 2020, ĐH Harvard (Mỹ) từng công bố nghiên cứu quy mô lớn trên 300.000 người cho thấy uống ít nhất 2 ly cà phê mỗi ngày giúp giảm tới 1/3 nguy cơ phát triển cơn trầm cảm.
Anh Thư