Nguy hiểm khi dùng tay nhét vào miệng người đang co giật
Mới đây, trên một diễn đàn chia sẻ thông tin về sự cố bất ngờ xảy ra trên một chuyến bay.
Thông tin chia sẻ như sau: "Một nữ khách hàng khoảng 30 tuổi tự dưng tím tái, ngất xỉu, co giật, liên tục cắn lưỡi, may mắn trên khoang có hành khách là bác sĩ kịp thời xử lý. Khách hàng đã được bác sĩ sơ cứu và nhét tay vào miệng để ngăn cắn lưỡi, xe cứu thương cũng đến chờ sẵn ở dưới. Thật may mắn vì có bác sỹ trên chuyến bay".
Sau khi, thông tin trên chia sẻ, người bác sĩ trên được tung hô như là một "người hùng" vì đã cứu sống được nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ dùng tay nhét vào miệng bệnh nhân là cách sơ cứu sai và có thể nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.
Thông tin chia sẻ trên mạng xã hội.
Trao đổi với Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Hùng cho rằng khi nạn nhân co giật cho tay vào miệng nạn nhân là không nên vì sẽ có rất nhiều nguy cơ xảy ra.
Thứ nhất, khi nạn nhân co giật sẽ có xu hướng bị co cơ làm cho cơ miệng của bệnh nhân bị cứng lại, cứng hai hàm. Nếu tình huống này người sơ cứu cho tay vào sẽ có nguy có cao sẽ bị chấn thương và nhiễm trùng.
"Nguyên tắc sơ cứu và cấp cứu chung ở cộng đồng là phải đảm bảo an toàn cho người tham gia sơ cứu (người hỗ trợ nạn nhân) và đảm bảo an toàn cho nạn nhân. Trong trường hợp này người tham gia sơ cứu cho tay vào miệng bệnh nhân nguy cơ không an toàn có thể xảy ra, rất có thể sẽ bị chấn thương do nạn nhân cắn (người cắn).
Vết thương do người cắn là tổn thương có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cực kỳ lớn. Vì trong khoang miệng của người có rất nhiều vi khuẩn, tạp khuẩn", bác sĩ Hùng cho biết.
Thứ 2, nếu có đưa tay vào miệng khi nạn nhân co giật cũng không giúp ích được gì. Bởi vì, khi nạn nhân co giật thì toàn bộ cơ sẽ bị tăng trương lực cho nên rất hiếm trường hợp bệnh nhân bị cắn vào lưỡi.
Trong trường hợp có cắn vào lưỡi thì vết thương cũng không quá nghiêm trọng. Bệnh nhân co giật nếu có cắn vào lưỡi chỉ cắn vào hai bên rìa lưỡi. Rất ít trường hợp cắn vào lưỡi có tổn thương nghiêm trọng gây chảy máu tới mức chết được.
Theo GS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, co giật có nhiều nguyên nhân khác nhau, co giật ở trẻ con và người lớn cũng khác nhau. Ở người lớn có thể do bệnh lý động kinh, ngộ độc (ngộ độc thần kinh trung ương gây ra co giật)...
Nếu cơn co giật grand-mal seizures là một tình trạng co giật cơ tần suất cao và kéo dài. Cơn co giật này là lành tính và không gây ra nguy hiểm. Còn trường hợp co giật bệnh lý liên quan tới động kinh sẽ xuất hiện theo cơn, co giật này bác sĩ cần phải khám để loại trừ bệnh lý.
GS. Đức cho hay, khi nạn nhân xảy ra co giật bởi bất cứ nguyên nhân gì thì việc can thiệp như nhét vải, nhét tay, đũa… vào miệng đều không có tác dụng giúp đỡ cho nạn nhân. Thay vì thực hiện những hành động trên thì hãy bình tĩnh giúp cho nạn nhân tránh khỏi những nơi nguy hiểm như: gần bếp lửa, bờ sông, vật dụng gây chấn thương…
Bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa cấp cứu Học viện Quân y 103 khuyến cáo khi nạn nhân bị co giật sơ nếu cấp cứu sai cách như: dùng khăn vải, tay nhẹt vào miệng có thể nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân.
Ví dụ, việc dùng khăn vải nhét vào miệng nạn nhân khiến cho bệnh nhân không thở. Do đờm rãi trong miệng bệnh nhân có thể vào khí quản gây ra tắc đường thở và tử vong. Còn trường hợp cho tay của người sơ cứu vào có thể bị tổn thương cho người sơ cứu do nạn nhân cắn.
Sơ cứu khi co giật
Sơ cứu khi bệnh co giật
Bác sĩ Hùng khuyên mọi người nên làm như sau:
- Cho bệnh nhân nằm xuống để tránh ngã vào tổn thương
- Nới lỏng quần áo để cho bệnh nhân có thể thông thoáng đường thở
- Lót một cái khăn hoặc cáo áo ở dưới đầu của bệnh nhân để cho đầu không bị lúc lắc khi bị co giật. Để nếu có ma sát sẽ không gây tổn thương da
- Nếu bệnh nhân có co giật vùng chân tay thì tuyệt đối không giữ chân tay nạn nhân. Nên di chuyển những đồ vật có thể rơi vỡ xa vị trí nạn nhân nằm
- Sau đó, mọi người nên kiên nhẫn chờ đợi để cơn co giật qua đi. Khi cơn co giật đã qua đi thì nên để nạn nhân nằm nghiêng để đờm rãi ứ đọng tại cổ gây khó thở cho nạn nhân.