"Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng lên trong nhiều năm và đã đạt mức cao kỷ lục. Chúng tôi lo ngại về điều đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo vào thứ Năm (31.8).
"Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã không bao giờ ngừng tung tin, phóng đại và lên gân tất cả các mối đe dọa mà họ phải đối mặt. Trong thời gian đó, họ đã nới rộng ngân sách quốc phòng, nâng cấp kho vũ khí quân sự và theo đuổi các biện pháp để thực hiện dự luật an ninh mới”, bà Hoa nói, đồng thời kêu gọi Nhật Bản "thận trọng trong lĩnh vực quân sự và an ninh". Bà Hoa nhấn mạnh hy vọng Tokyo có thể "học hỏi từ lịch sử".
Các bình luận của bà Hoa được đưa ra chỉ vài giờ sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng Bộ Quốc phòng của nước này đang lên kế hoạch 5,26 nghìn tỉ yên (48 tỉ USD) để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.
Theo kế hoạch ngân sách, Japan Times cho biết Tokyo dự định mua một hệ thống đánh chặn tên lửa có tên Aegis Ashore. Theo AP, Tokyo cũng đang xem xét một đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD.
Các vụ mua bán khác bao gồm tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Theo lời của Bộ Quốc phòng Nhật thì hệ thống tên lửa đánh chặn này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật. Một phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3 hiện tại cũng sẽ được mua, cho phép cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa hành trình cũng như máy bay siêu thanh.
Ngân sách cũng bao gồm việc mua máy bay trinh sát Global Hawk do Mỹ sản xuất; hai tàu khu trục; một tàu ngầm chạy bằng pin lithium công nghệ mới và 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được triển khai tại Misawa ở miền bắc nước Nhật.
Nếu được chấp thuận, yêu cầu ngân sách - tăng 2,5% so với năm ngoái - sẽ là năm thứ 6 mà Nhật tăng chi phí quốc phòng. Nó sẽ có hiệu lực cho năm tài chính 2018 bắt đầu từ ngày 1.4.2018.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay những nâng cấp được lên kế hoạch nhằm cải thiện sự phản ứng của quốc gia đối với các cuộc tấn công tên lửa bất ngờ hay những cuộc không kích quy mô.
Phản ứng này diễn ra sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào không phận Nhật Bản hôm 29.8, trong một động thái mà Thủ tướng Shinzo Abe gọi là "mối đe dọa chưa từng có, nghiêm trọng và đáng quan ngại".
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Trung Quốc đã thúc giục tất cả các bên phải tránh những lời khiêu khích, đồng thời cảnh báo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã "đạt tới đỉnh điểm" và đang "tiến tới một cuộc khủng hoảng".
Trung Quốc, cùng với Nga, đã xúc tiến một kế hoạch "đóng băng kép", theo đó Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc. Kế hoạch đã bị Washington từ chối.
Ngoài Triều Tiên, Nhật Bản cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh và đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông.