Theo luật, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) không được phép duy trì lực lượng có tiềm năng chiến tranh. Nhưng kể từ khi thành lập vào năm 1954, SDF đã âm thầm phát triển thành một trong những quân đội mạnh nhất thế giới.
Theo Asia Times, Nhật Bản hiện có ngân sách quân sự lớn thứ tám thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ả Rập Xê Út, Pháp, Đức và Anh, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
SDF hiện có gần 250.000 binh sỹ, được trang bị vũ khí và công nghệ mới nhất được mua chủ yếu từ Mỹ, bao gồm một loạt các tên lửa, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, tàu ngầm diesel-điện công nghệ tiên tiến nhất thế giới và xe tăng chiến đấu được chế tạo trong nước.
Điều ít người biết tới là Nhật Bản cũng duy trì một căn cứ hải quân thường trực ở Djibouti trên vùng Sừng châu Phi, nơi Mỹ và Trung Quốc cũng đặt căn cứ quân sự.
Tokyo đã chịu áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi tăng ngân sách và gánh thêm trách nhiệm tài chính cho việc phòng vệ do Mỹ đảm nhiệm tại các căn cứ nằm ở Nhật Bản, một điểm bất đồng giữa hai đồng minh.
Tháng Tư năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya tuyên bố rằng Nhật Bản đã chi 1,3% GDP cho quốc phòng khi các hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo vệ bờ biển và các chi phí an ninh khác được tính.
Tokyo đã tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm dưới thời thủ tướng Shinzo Abe. Hơn nữa, Điều 9 hiến pháp Nhật Bản, cấm sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế, đã được giải thích lại vào năm 2014 để cho phép SDF bảo vệ các đồng minh, bao gồm cả Mỹ, nếu chiến tranh xảy ra.
Điều khoản đó đã cho phép Nhật Bản tham gia tích cực hơn trong các hoạt động quân sự ngoài biên giới, một xu hướng thực sự bắt đầu từ đầu những năm 1990 thông qua sự tham gia của SDF trong lực lượng Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập hòa bình ở Campuchia bị chiến tranh tàn phá.
Mặc dù nhiệm vụ của SDF là “phi chiến đấu”, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, quân đội Nhật Bản được nhìn thấy ở bên ngoài đất nước. Việc triển khai đó được tiếp nối bằng hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Châu Phi và Đông Timor. Năm 2004, Nhật Bản đã gửi quân đội tới Iraq để hỗ trợ công cuộc tái thiết do Mỹ dẫn đầu.
Việc triển khai đó đã gây tranh cãi ngay tại Nhật Bản vì đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Nhật Bản đã gửi quân đội ra nước ngoài trừ việc tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Nhưng Tokyo đã gia tăng phối hợp các chính sách quốc phòng với Mỹ cũng như Ấn Độ, hai quốc gia lo lắng không kém về Trung Quốc đang phát triển ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Sự tham gia của Nhật Bản vào đợt tập trận Malabar, một cuộc tập trận hải quân ba bên với Mỹ và Ấn Độ kể từ năm 2015, đã chứng tỏ sức mạnh hải quân của họ ở bên ngoài, gửi một thông điệp cơ bắp đến Trung Quốc, vào thời điểm Bắc Kinh mở rộng phạm vi hải quân ra Ấn Độ Dương.
Không rõ liệu tập trận Malabar sẽ được tiến hành trong năm nay do cuộc khủng hoảng COVID-19 hay không, nhưng mối quan hệ quốc phòng của Nhật Bản với Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014.
Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với những gì họ cho là trục chống Trung Quốc mới nổi do Mỹ lãnh đạo trong khu vực. Trung Quốc có hai tàu sân bay sẵn sàng chiến đấu là Liêu Ninh và Sơn Đông và một chiếc thứ ba đang được chế tạo. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc có kế hoạch có năm hoặc sáu tàu sân bay vào năm 2030.
Hồ Tích Tấn, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, viết trong một bài xã luận vào ngày 8/5 rằng Trung Quốc cần mở rộng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân từ 260 hiện nay lên 1.000.
“Một số người có thể gọi tôi là kẻ gây ra chiến tranh”, ông Hồ viết, “nhưng thay vào đó, họ nên trao nhãn hiệu này cho các chính trị gia Mỹ, những người công khai thù địch với Trung Quốc, điều này đặc biệt đúng khi chúng tôi đang đối mặt với một nước Mỹ ngày càng phi lý”.
Dù có hợp lý hay không, Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc khẩu chiến với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Tổng thống Donald Trump thậm chí nói rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc và tính đến ngày 10/5 đã cướp đi 279.345 mạng sống trên toàn cầu và 78.794 ở Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng virus corona. Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã tặng vật tư y tế cho Trung Quốc, và khi tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, Trung Quốc đã gửi bộ dụng cụ thử nghiệm tới Nhật Bản trong khi tỷ phú Trung Quốc Jack Ma tặng một triệu khẩu trang.
Nhưng những cử chỉ thiện chí như vậy không thể che giấu sự thật rằng các trận chiến mới đang diễn ra nhanh chóng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và Nhật Bản sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc đối đầu địa chiến lược trong khu vực, bất kể Mỹ cam kết nhiều hơn hay ít đi với an ninh của khu vực.