Quyết định này đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với tiến trình tái vũ trang quân đội, một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, bị nhiều người trong giới lãnh đạo Nhật phản đối, chỉ trích rằng đây là một hành động vi phạm Điều 9 Hiến pháp – điều ngăn chặn quốc gia này phát triển sức mạnh quân sự hoặc triển khai quân đội ra nước ngoài.
Trước đó, không quân Nhật Bản đặt một đơn đặt hàng lớn mua sắm máy bay chiến đấu F-35A, những máy bay được coi là phương tiện chiến đấu phòng ngự then chốt thay thế F-4 Phantoms, đã quá già cỗi trong chương trình hiện đại hóa năng lực phòng không quốc gia.
Tàu sân bay đổ bộ sử dụng máy bay phiên bản F-35B, một phương tiện bay hoàn toàn mới, cho phép quân đội Nhật Bản có sức mạnh chiến đấu chưa từng có kể từ khi Đế quốc Nhật Bản sụp đổ.
Những bài viết trên các mạng thông tin đại chúng từ tháng 02.2018 cho biết, các tàu chiến đổ bộ trực thăng lớp Izumo ngay từ khi thiết kế ban đầu đã có dự kiến cho các máy bay chiến đấu hạ cánh thẳng đứng STOVL, việc mua F-35B và triển khai trên boong tàu chỉ là vấn đề thời gian khi đây là máy bay chiến đấu duy nhất có khả năng STOVL được sản xuất trên toàn thế giới.
Các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng có số lượng ít hơn đáng kể và có tầm hoạt động ngắn hơn so với các máy bay chiến đấu sân bay đất liền. Nhưng lại là máy bay đắt nhất được sản xuất trên thế giới do chi phí cao của động cơ lực đẩy vectơ và hệ thống điều khiển, cho phép máy bay hạ cánh thẳng đứng .
Tàu sân bay lớp Izumo là một trong những tàu sân bay đổ bộ rất lớn, có lượng giãn nước đến 27.000 tấn đầy tải và có độ dài boong tàu đến 248 m, có khả năng triển khai một liên đoàn máy bay chiến đấu F -35B, khoảng 20 chiếc trên mỗi tàu chiến.
Hiện nay, ngoại trừ Mỹ, trên thế giới còn có 2 tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh và tàu sân bay Type 001 Liêu Ninh của Trung Quốc, nhưng cả hai đều không được coi là phát huy hết nội hàm của chiến hạm.
Trên thực tế, tàu đổ bộ trực thăng Izumo nếu được trang bị máy bay tiêm kích đa năng cất cánh thẳng đứng, thì có thể sẽ là tàu sân bay có năng lực tác chiến mạnh nhất trên vùng nước châu Á và châu Âu - mặc dù truyền thông của Pháp và Nga đưa ra những phản bác về nhận định này.
Nhưng trong tình huống Nhật đặt mua F-35B, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh tiến trình đưa các tàu sân bay đang đóng vào biên chế sẵn sàng chiến đấu và tăng cường trang bị cho những tàu sân bay này, trước mắt có thể là Type 001 và Type 002.
Tiêm kích đa nhiệm F-35B (STOVL) được trang bị cho tàu Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công xa do tầm bay ngắn bằng việc sử dụng các tên lửa không đối không mới nhất của Mỹ, AIM-120D ARAAM, có tầm bắn tới 180km.
Tên lửa không đối không Thiên thạch châu Âu (European Meteor) BVRAAM, có tầm bắn hơn 100 km cũng tương thích với F-35B và dự kiến trang bị cho các máy bay F-35B trên những tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh, được coi là một lựa chọn khác của Nhật Bản, cho phép các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đổ bộ trực thăng có khả năng tấn công tầm xa.
Mặc dù các chiến hạm đổ bộ Izumo Nhật Bản hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai các máy bay chiến đấu F-35B, nhưng phát triển một lực lượng chuyên môn kỹ thuật, lực lượng phi công cho không đoàn F-35B trên tàu sân bay sẽ mất nhiều năm, ngay cả với sự giúp đỡ của Lính thủy Đánh bộ Mỹ, hiện bắt đầu khai thác F-35B trên các tàu sân bay đổ bộ đường băng ngắn.
Là một đồng minh lâu đời và then chốt của Mỹ, hợp tác quốc phòng Anh – Nhật ngày càng tăng và Anh cũng có thể cung cấp những kinh nghiệm vô giá trong chương trình phát triển tàu sân bay Nhật Bản do hiện đang sử dụng các máy bay tiêm kích đường băng ngắn F-35B.
Mua sắm và đưa máy bay chiến đấu F-35B vào biên chế các tàu sân bay của Nhật Bản sẽ diễn ra đồng thời với chương trình mua sắm máy bay chiến đấu F-35A lớn hơn cho Không quân và đang được lên kế hoạch.
Trong tương lai gần, các nhà quân sự Nhật Bản hy vọng triển khai các máy bay tiêm kích tàng hình F-35B không chỉ trên tàu sân bay đổ bộ mà còn có thể ở các sân bay đường băng ngắn trên các những chuỗi đảo xa xôi, có thể là mục tiêu của hải quân Trung Quốc trong chiến lược mở rộng khả năng phòng thủ (chiến lược phòng thủ ngoài khơi xa) trên chuỗi đảo thứ nhất của Bắc Kinh.
Cũng theo các bình luận viên quân sự Nhật Bản, việc trang bị máy bay tiêm kích tàng hình F-35B trên tàu sân bay lớp Izumo sẽ là bước đầu tiên để phát triển một đội tàu sân bay lớn.
Ngành công nghiệp Nhật Bản rất giàu kinh nghiệm đóng tàu cỡ lớn, nhưng cho đến ngày nay, vẫn chưa có được một hạm đội đầy đủ, bao gồm các tàu sân bay, tàu khu trục hạng nặng cũng như các chiến hạm khác.
Nếu thành công trong việc triển khai các F-35B lên tàu sân bay đổ bộ Izumo, trong một vài thập kỷ tới, Nhật Bản có khả năng đóng các tàu sân bay lớn hơn để triển khai F-35C, phiên bản máy bay chiến đầu tàng hình trên tàu sân bay có giá thành rẻ hơn, sẽ được trang bị cho các tàu sân bay cỡ lớn như hàng không mẫu hạm siêu hiện đại Gerald Ford lớp Nimitz của Mỹ.
Giả thiết người Nhật bắt đầu đặt vấn đề đóng tàu sân bay có kích thước lớn trong thập kỷ tới, những kinh nghiệm khai thác sử dụng máy bay tiêm kích tàng hình F-35B trên tàu sân bay lớp Izumo là vô giá, cho phép những tàu sân bay mới có năng lực tác chiến nhanh, mạnh hơn gấp nhiều lần.
Nhật Bản hiện đang có thể vượt ra khỏi Điều 9 Hiến pháp do sự phát triển mạnh mẽ tình hình quân sự Trung Quốc trên vùng nước Tây Thái Bình Dương, từ đó hình thành một hạm đội tàu hùng mạnh, có biên chế tàu sân bay như trước Đại chiến Thế giới lần thứ II với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ và các đồng minh châu Á.
Tất nhiên Nhật Bản không thể đóng vai trò thống trị đại dương như trước đây nhưng có thể sẽ là một đối trọng cần thiết cùng với Mỹ duy trì cán cân lực lượng trên Thái Bình Dương.