Nhật Bản nêu lý do mở rộng kho chứa nhiên liệu và đạn dược trên đảo gần Đài Loan

Công Thuận |

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng việc gia tăng năng lực trên chuỗi đảo Nansei xa xôi, trải dài về phía Tây Nam từ Kyushu đến gần Đài Loan (Trung Quốc), góp phần tăng cường khả năng răn đe.

Binh sĩ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đổ bộ tại tỉnh Okinawa. Ảnh: Kyodo

Binh sĩ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đổ bộ tại tỉnh Okinawa. Ảnh: Kyodo

Tờ Nikkei (Nhật Bản) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada mới đây cho biết nước này sẽ mở rộng các cơ sở lưu trữ nhiên liệu và đạn dược trên quần đảo Nansei ở Biển Hoa Đông, khi Tokyo đang tìm cách chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.

Nhật Bản hiện dự trữ khoảng 70% đạn dược của mình ở Hokkaido, hòn đảo chính ở cực Bắc của nước này - cách Đài Loan hơn 2.000 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng việc gia tăng năng lực trên chuỗi đảo Nansei xa xôi, trải dài về phía Tây Nam từ Kyushu đến gần Đài Loan, góp phần tăng cường khả năng răn đe.

Kho dự trữ đạn dược của Nhật Bản được cho là chỉ đủ cho 2 tháng chiến tranh, trong đó chưa đầy 10% được cất giữ tại đảo Kyushu và Okinawa ở Tây Nam. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được cho là thiếu năng lực để vận chuyển đủ số đạn cho khu vực này trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ông Hamada nói: "Để bảo vệ Nhật Bản, điều quan trọng đối với chúng tôi là không chỉ có phần cứng như máy bay và tàu chiến mà còn phải có đủ đạn dược cho chúng. Chúng tôi sẽ tăng cường triệt để các khả năng quốc phòng mà chúng tôi cần, bao gồm cả năng lực triển khai bền vững và linh hoạt".

Theo ông Hamada, bước đầu tiên là Nhật Bản sẽ xây dựng một kho đạn tại một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất trên đảo Amami Oshima. Tokyo cũng sẽ xem xét sử dụng địa điểm này để lưu trữ vũ khí như tên lửa phòng không, được thiết kế để phóng từ bên ngoài phạm vi hỏa lực phòng thủ của đối phương.

Ông Hamada cho biết thêm Tokyo sẽ xem xét việc xây dựng các cơ sở cảng và bể chứa nhiên liệu trên các đảo ở Okinawa, Kyushu và một số nơi khác.

Nhật Bản không chỉ đặt mục tiêu nâng cao khả năng cơ động của lực lượng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nhiên liệu, đạn dược và lương thực. Nước này hiện dự trữ lượng dầu đảm bảo trong khoảng 5 tháng, nhưng nếu Nhật Bản không thể chuyển dầu tới các khu vực xung đột, các lực lượng phòng vệ sẽ thiếu nhiên liệu cần thiết để hoạt động.

Xây dựng cơ sở hạ tầng để gửi tiếp tế từ Kyushu và đảo chính Honshu cũng sẽ giúp Tokyo hỗ trợ lực lượng Mỹ ứng phó với cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Đài Loan.

Hoạt động bền vững đã trở thành mối quan tâm lớn hơn đối với Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Chiến lược phòng thủ sau Thế chiến II của Tokyo thường cho rằng các lực lượng Nhật Bản sẽ chỉ phải cầm cự trong vài tuần cho đến khi quân đội Mỹ đến để xử lý mối đe dọa.

Nhưng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hiện đã kéo dài sang tháng thứ 7, đang thúc đẩy nước này phải xem xét lại chiến lược của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại