Nhập viện cấp cứu vì chuột cắn

D.Thu |

Bị chuột cắn vào ngón chân, chỉ rớm máu nhưng sau một tuần, người đàn ông 40 tuổi ở Hưng Yên sốt cao, phải nhập viện.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh N.T.M. (40 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) được phát hiện mắc bệnh Sodoku, một loại bệnh do chuột cắn.

Theo anh M, trước đó khoảng 2 tuần, anh bị chuột cắn vào ngón chân. Vết cắn chỉ rớm máu nên anh không nghĩ có gì nghiêm trọng.

Sau một tuần, anh thấy ngón chân bị chuột cắn sưng đỏ, sốt, cơ thể lúc nóng bừng bừng khi lại lạnh run. Nghĩ do sốt virus, anh tự mua thuốc về uống nhưng 2 ngày vẫn không thấy đỡ nên mới đến bệnh viện khám.

Ngày 13-10, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết sốt do chuột cắn gọi là bệnh Sodoku mà nguyên nhân là một loại xoắn khuẩn có tên Spirillum minus. Khi nhiễm bệnh, chỗ bị chuột cắn sẽ sưng đỏ, sốt, sưng hạch…

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần, khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao (39-40 độ C), rét run và sốt gián đoạn từng cơn. Những cơn sốt riêng rẽ tái đi tái lại và có thể xuất hiện vài lần qua 1-3 tháng.

Đồng thời, biểu hiện các hội chứng về da như ban sẩn ngứa, ban hoạt tử, có xu hướng nối liền với nhau, tập trung ở da đầu, mặt và thân trên.

Ở vùng bị cắn, các thương tổn ở da có thể tự khỏi, nhưng trong hầu hết các trường hợp lại trở thành một vùng sưng tấy, tím đỏ và hoại tử.

Suốt thời kỳ mắc bệnh, bệnh nhân biểu hiện đau cơ khớp, có thể phát triển thành viêm khớp.

Ở một số bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng thần kinh: đau đầu, ảo giác, tình trạng mê sảng dẫn đến hôn mê; nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng viêm tim nội mạc, viêm màng não, nhồi máu, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu.

Nếu không được điều trị, tình trạng sốt sẽ kéo dài dai dẳng 1-2 tháng. Tỉ lệ tử vong khoảng 5%-10%.

Nhập viện cấp cứu vì chuột cắn - Ảnh 1.

Khi bị chuột cắn cần rửa sạch vết thương và đến cơ sở y tế để điều trị

Theo bác sĩ Cấp, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-20 ca mắc bệnh Sodoku do chuột cắn. Thông thường, khởi đầu vết cắn đơn giản nên nhiều người bệnh không để ý, đến khi có biểu hiện sốt cao, sưng đau, bệnh nhân mới đến các cơ sở y tế thăm khám.

Với những bệnh nhân này, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kháng sinh.

Các chuyên gia khuyến cáo chuột là trung gian truyền rất nhiều loại bệnh. Để phòng bệnh, người dân nên tránh để bị chuột cắn. Khi bắt chuột không nên dùng tay không mà phải đeo găng dày. Khi ngủ, nên chèn màn chặt kín 4 góc giường ngăn ngừa không cho chuột chui vào cắn.

Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại