Nhân viên y tế nhảy salsa

Xuân Mai |

Mọi căng thẳng, áp lực của nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) dường như đã được 'giải phóng' sau những giây phút hòa mình trong điệu nhảy salsa cùng âm nhạc sôi động giữa giờ nghỉ trưa.

Nhân viên y tế nhảy salsa - Ảnh 1.

Bác sĩ Dương Công Minh hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện nhảy salsa

Huấn luyện viên của "lớp khiêu vũ đặc biệt" này là bác sĩ Dương Công Minh, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM). "Người "nhóm lửa" là phải "gieo lửa" lòng đam mê, thích thú đến mọi người thì mới nhận được sự quan tâm, hưởng ứng" - ông Minh nói.

Người "nhóm lửa" phải biết "gieo lửa"

* Thưa bác sĩ, xuất phát từ đâu mà Công đoàn Bệnh viện Nhi đồng thành phố phát động hoạt động này giữa giờ cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện?

- Ba năm trước, Công đoàn ngành y tế TP.HCM phát động phong trào thể dục giữa giờ cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn để nhân viên y tế được thư giãn, tăng cường sức khỏe, giải tỏa căng thẳng. Mỗi đơn vị y tế xây dựng bài tập, sau đó kêu gọi nhân viên y tế tập luyện và quay clip gửi về Công đoàn ngành y tế TP dự thi.

Thời điểm này, Bệnh viện Nhi đồng thành phố vinh dự đoạt giải nhất. Sau đó Công đoàn ngành y tế TP đưa phong trào này vào chương trình hoạt động thường quy tại cơ sở và các đơn vị y tế chủ động triển khai duy trì.

Tại bệnh viện chúng tôi, phong trào tập thể dục giữa giờ được triển khai nhưng chưa mang tính thường xuyên do công việc ngành y quá bận rộn. Hiện nay phong trào này tại bệnh viện vẫn được duy trì, do ban chấp hành Công đoàn Bệnh viện Nhi đồng thành phố tổ chức.

Tôi hướng dẫn vũ đạo với những bước nhảy đơn giản trên nền nhạc salsa cuốn hút, sinh động. Chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động này và nhận được rất nhiều sự quan tâm của cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện.

* Ngoài chuyên môn là trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế của bệnh viện, ông đã được đào tạo chuyên nghiệp về khiêu vũ?

- Ngoài chuyên môn khám chữa bệnh cho bệnh nhi, tôi còn rất đam mê khiêu vũ. Tôi bắt đầu học bộ môn này từ năm cấp III, sau đó tôi tiếp tục tham gia câu lạc bộ khiêu vũ Dance Sport từ năm 2012.

Tôi mong muốn áp dụng những bước khiêu vũ đơn giản đến tất cả mọi người để cùng rèn luyện thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe. Để làm được điều này, tôi cho rằng vai trò người "truyền lửa" rất quan trọng. Và may mắn là ban chấp hành Công đoàn Bệnh viện Nhi đồng thành phố nhiệt huyết, cùng sự quan tâm sâu sát của ban giám đốc bệnh viện đến đời sống tinh thần, thể thao của nhân viên y tế nên việc "gieo lửa" lòng đam mê, thích thú với phong trào "nhảy salsa" rất thuận lợi và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rộng khắp.

Giải tỏa căng thẳng, nhận lại năng lượng tích cực

* Vậy cụ thể những bài tập mà bác sĩ tập cho nhân viên y tế là gì? Điều ông mong muốn khi hướng dẫn nhân viên y tế tập khiêu vũ?

- Tiêu chí của câu lạc bộ khiêu vũ Bệnh viện Nhi đồng thành phố rất đỗi giản đơn, đó là vui, khỏe, đơn giản dễ tập luyện. Do đó các động tác tôi hướng dẫn cho nhân viên y tế không phải là bài tập chuyên nghiệp mà là từ sự ngẫu hứng của các động tác trên nền nhạc salsa sôi động theo phong cách zumba, giúp bản thân người tập cảm thấy trẻ trung, yêu đời.

Khi thành lập câu lạc bộ này, điều đầu tiên chúng tôi muốn hướng đến là tạo sân chơi cho nhân viên y tế, giúp họ giải tỏa căng thẳng, áp lực. Khi "giải phóng" được áp lực thì hiệu suất của công việc tăng lên, những tương tác giao tiếp giữa nhân viên y tế với thân nhân bệnh nhi tốt đẹp hơn.

Song song đó, khi nhảy cùng âm nhạc khiến chúng ta lạc quan, vui vẻ, cải thiện tâm trạng cực kỳ hiệu quả. Vận động theo âm nhạc rất tốt cho sức khỏe, cho hệ tim mạch, tốt cho những ai đang trầm cảm hoặc stress, rất phù hợp cho người làm việc trong môi trường đầy áp lực như ngành y tế.

Trong không gian âm nhạc sôi động, cuồng nhiệt, cùng với những chuyển động toàn thân, trung bình cứ mỗi một giờ nhảy tích cực sẽ đốt cháy khoảng 400 - 500kcal. Sau 60 phút vận động theo các buổi cũng là khi trọng lượng cơ thể đã vơi đi phần nào theo ngày tháng.

* Nhiều nhân viên y tế phải làm việc xuyên trưa thì làm sao để họ cũng được tham gia câu lạc bộ khiêu vũ này?

- Có những khoa làm việc rất căng thẳng và liên tục như khoa hồi sức tích cực chống độc, cấp cứu... Nhân viên y tế đôi khi làm quá thời gian quy định nên không thể tham gia phong trào dance thường xuyên được.

Thế nhưng mỗi khoa/phòng này chỉ có vài nhân viên y tế tham gia cũng đã là niềm vui, thành công với chúng tôi rồi. Vì "tiếng lành đồn xa", quy mô phong trào ngày càng rộng mở, nhiều thành viên góp mặt hơn nữa.

Trong tương lai, ban chấp hành Công đoàn sẽ nghiên cứu tổ chức giản đơn nhất để phong trào đến với tất cả mọi người. Chúng tôi còn xây dựng những thành viên tích cực tại khoa thành "huấn luyện viên" vệ tinh. Họ sẽ tổ chức những bài nhảy cơ bản tại các khoa phòng và tổ chức sự kiện "Salsa cùng Nhi đồng thành phố" có trao thưởng trong bệnh viện.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Hiện đã có nhiều nhân viên y tế tham gia và mọi người luôn được ban giám đốc và BCH Công đoàn khuyến khích và động viên tham gia phong trào. Lúc hướng dẫn dance, tôi thường nói bằng cả trái tim rằng: "Hãy thư giãn, hãy cười, hãy thoải mái nhất có thể trong lúc nhảy. Hãy nghĩ chúng mình đang nhảy để thấy đời thật đáng yêu, để tận hưởng, biết buông bỏ muộn phiền, cười tươi lan tỏa năng lượng tích cực".

Khi hướng dẫn dance, tôi "làm khó" là bắt buộc cả lớp phải cùng đếm nhịp thật to, vừa để thuộc bước và cũng qua đó nhận được năng lượng tích cực khi cùng đồng thanh, đồng điệu: We are one (chúng ta là một).

Đừng "sợ" khiêu vũ! Hãy nhảy salsa theo cách riêng của mỗi người. Rất đơn giản, chỉ trong vòng 60 phút bất kể lúc nào trong ngày bạn thấy thuận tiện, nhưng ích lợi mang lại từ vận động thật to lớn.

Phòng tránh hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần

Là điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), chị Hà Vũ Như Hương chia sẻ: "Công việc thì lúc nào cũng nhiều, quá tải thôi nhưng nếu mọi người nghĩ vì công việc mệt quá, không tham gia thì không đúng. Khi tham gia lớp nhảy, căng thẳng, áp lực trong mình mất đi. Sau bữa tập thì tôi thấy rất khỏe khoắn, hào hứng trong công việc. Khi đã tạo thành thói quen thì không tập lại khó chịu".

Sau dịch COVID-19, Sở Y tế TP.HCM báo động nhiều nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn TP phải đối diện với hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng. Theo báo cáo của sở này, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhân sự các bệnh viện công lập có nhiều biến động và không ổn định do khối lượng công việc tăng nhanh. Dù đã tăng cường tuyển dụng nhưng do số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nên đã giảm 318 người (so sánh 6 tháng đầu năm 2022 với năm 2021).

X.MAI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại