Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng

Quang Huy |

Theo TS-BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương: "Theo quy luật thị trường, nhân viên y tế lần lượt chuyển đến nơi có thu nhập tốt hơn, ít áp lực hơn để lo cho cuộc sống. Họ không sai. Bởi, họ không thể làm việc với dạ dày rỗng!”.

Sáng 9-11, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND TPHCM có buổi giám sát việc thực hiện Đề án y tế thông minh, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 tại Bệnh viện Trưng Vương, quận 10.

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 1.

Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cùng đoàn làm việc tại buổi giám sát, sáng 9-11-2022. Ảnh: CAO THĂNG

Tại buổi giám sát, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương Huỳnh Ngọc Hớn cho biết, đơn vị hiện có 782 giường bệnh thực kê, nhưng công suất sử dụng 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 52,8%. Có trên 203.000 lượt người bệnh khám ngoại trú (đạt 56%); 16.600 lượt nội trú; khu điều trị Covid-19 tiếp tục được bệnh viện duy trì với 15 ca, trong đó có 3 ca phải thở máy.

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 2.

Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Trưng Vương trong ca trực sáng 9-11

Theo BS-CKII Huỳnh Ngọc Hớn, do số lượng bệnh nhân giảm nên thu không đủ bù chi, bệnh viện hết nguồn để chi cho các quỹ, như: Thu nhập tăng thêm; khen thưởng…

“Trong 10 tháng qua, đơn vị có 138 nhân viên nghỉ việc (53 điều dưỡng) với phần lớn lý do là thu nhập quá thấp, gánh nặng công việc cao. Hiện áp lực nhân viên y tế xin nghỉ việc đang là nỗi đau đáu của bệnh viện”, BS Hớn trăn trở.

Khó khăn tiếp theo là bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới (khối nhà A), nhưng đang bị chậm tiến độ gần 5 tháng, kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác. Không những thế, do thi công ì ạch và các khoa phòng khác không thể sửa chữa, đường đi lối lại bị chia cắt… đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác khám chữa bệnh.

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 3.

Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương Huỳnh Ngọc Hớn phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Về xây dựng y tế thông minh, theo BS Hớn, từ năm 2004, Bệnh viện Trưng Vương là một trong số ít cơ sở y của thành phố triển khai thí điểm mô hình hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS) và vận hành khai thác liên tục cho đến nay. Được UBND TPHCM cấp kinh phí cho bệnh viện đầu tư nâng cấp hạ tầng, qua đó giúp bệnh viện triển khai nhiều phần mềm trong công tác khám chữa bệnh, quản lý nội ngoại trú...

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho bệnh viện đã hết khấu hao, máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị mới - cũ không đồng bộ, làm cho hệ thống bị phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị. Bệnh viện cũng gặp khó khăn khi trang trải cho các hoạt động khác nên chi phí cho công nghệ thông tin gần như phải “giật gấu vá vai”, khó giữ chân được 10 nhân viên phòng công nghệ thông tin.

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 4.

BS Bệnh viện Trưng Vương chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 (ảnh chụp tháng 7-2021)

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 5.

Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Trưng Vương chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: CAO THĂNG

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 6.

Trưởng ban VH-XH, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình chia sẻ khó khăn với đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Trưng Vương tại buổi giám sát

Trước những khó khăn mà Bệnh viện Trưng Vương đang gặp phải, thay mặt đoàn giám sát, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình ghi nhận đồng thời bày tỏ sự biết ơn, trân trọng đối với tập thể y bác sĩ bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Ông Bình cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, trình lên HĐND, UBND TPHCM để có phương án tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc mà bệnh viện đang gặp.

Nhân viên y tế không thể làm việc với dạ dày rỗng - Ảnh 7.

Các chuyên gia, đại biểu HĐND TPHCM tại buổi giám sát

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại