Nhận diện cơn nghiện Facebook

Ngọc Dung |

Giới chuyên môn cảnh báo ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, trò chơi game, đặc biệt là nghiện mạng xã hội (Facebook) đến mức phải nhập viện điều trị

Như thế nào được coi là nghiện Facebook? Làm sao để biết mình nghiện Facebook và có thể "giải độc"? Đó là những câu hỏi không ít người đặt ra khi chúng ta đang trong thời đại người người lên mạng, nhà nhà xem "phây".

Phát điên vì cấm Facebook

Chuyện có thật là một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội bị bố mẹ cưỡng chế bằng cách "đánh" thuốc mê đưa con đến bệnh viện tâm thần. Hay một bà mẹ thế hệ 9X bỏ bê chăm sóc con cái, mất khả năng chăm sóc bản thân chỉ vì nghiện mạng xã hội là lời cảnh báo về tình trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay.

Khi thấy con dành quá nhiều thời gian để vào mạng, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm tới con

Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương 1, cho biết tại đây đang điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng trầm cảm do nghiện Facebook, điện thoại. Đây đều là những trường hợp bị trầm cảm nặng nhưng bệnh nhân lại không hợp tác trong điều trị khiến gia đình và bác sĩ gặp nhiều khó khăn. 

Theo bác sĩ Phương, trường hợp nhỏ tuổi nhất đang phải điều trị "cai" Facebook là một bệnh nhân nam 11 tuổi, ở Hà Nội. Bố mẹ bé trai kể cách đây 2 năm, bé đã dùng điện thoại một cách sành sỏi; thậm chí, còn bày cho bố mẹ nhiều tính năng của điện thoại và vào các trang mạng. 

Thời gian gần đây, bé bỗng hay cáu gắt, thường xuyên đánh bạn ở lớp. Khi bị bố mẹ cách ly với điện thoại và mạng xã hội 2 ngày, nhóc này lên cơn co giật, ngất xỉu nên gia đình phải đưa con vào viện.

Thừa nhận thực trạng ngày càng nhiều bệnh nhân trầm cảm do nghiện mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - BV Bạch Mai (Hà Nội), thông tin viện từng khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị trầm cảm, tâm thần phân liệt vì nghiện vào mạng, nhất là mạng xã hội. 

Các bệnh nhân thường còn rất trẻ, là học sinh, sinh viên. Cách đây không lâu, viện đã tiếp nhận một nam sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Gia đình cho biết cháu dùng mạng rất nhiều; thậm chí đến 10 giờ/ngày. 

Mỗi lần đi học về, cháu ở lì trong phòng và liên tục dùng Facebook để nói chuyện với bạn bè. Thấy vậy, bố mẹ đã thu điện thoại, cấm con dùng mạng Facebook, con bỗng xuất hiện các cơn co giật. Tại BV, các bác sĩ phát hiện các cơn co giật xuất phát từ việc cháu không được dùng Facebook.

Nữ giới dễ bị Facebook mê hoặc

Giới chuyên môn cho rằng việc sử dụng điện thoại không còn là một thói quen và việc lạm dụng mạng xã hội đang gây ra nhiều hậu quả. Điển hình là tình trạng mắc bệnh tâm thần. 

Bác sĩ Đỗ Xuân Tĩnh, Khoa Tâm thần BV quân y 103 (Hà Nội), nhận định nghiện mạng xã hội đang phổ biến trong thanh thiếu niên và có xu hướng gia tăng. "Nhiều học sinh tiêu tốn quá nhiều thời gian vào thế giới ảo. Việc giới trẻ đắm mình trong thế giới ảo khiến các em trở nên tách biệt, cô đơn trong cuộc sống bên ngoài" - bác sĩ Tĩnh cảnh báo.

Theo bác sĩ Tĩnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện mạng nhưng yếu tố tâm lý có vai trò rất lớn. Nếu nghiện game online chủ yếu là nam giới thì nghiện mạng xã hội nữ giới lại chiếm số đông, có lẽ một phần do nhân cách "yếu" hơn. 

Trong số này, nhóm học sinh THCS và THPT thường dễ nghiện mạng xã hội hơn cả, bởi đây là đối tượng chưa ổn định về tâm sinh lý và nhận thức. Hơn nữa, các em rất ít có cơ hội được sinh hoạt, vui chơi bên ngoài. Do vậy, ngoài giờ học, các em chỉ có thể lựa chọn cách ở nhà và "gắn mình" với điện thoại, máy tính...

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương thừa nhận hiện chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Facebook để xác định là tác nhân gây bệnh. Nhưng nếu một người dùng Facebook hằng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc người nhà không cho vào mà cảm thấy bồn chồn, khó chịu thì đó chính là biểu hiện của hành vi nghiện.

Thế giới chưa có mã bệnh nghiện Facebook, chưa có thuốc "đặc trị" đặc hiệu, vì thế bác sĩ chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng của nghiện Facebook, gây mất ngủ, trầm cảm… 

"Qua khai thác những bệnh nhân có biểu hiện nghiện Facebook cho thấy họ đều dành quá nhiều thời gian trên Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống. Tổng thời gian sử dụng Facebook thường trên 4-5 giờ/ngày" - bác sĩ Phương chia sẻ.

Để phát hiện sớm con trẻ nghiện mạng, các bác sĩ cho rằng chỉ có cách cha mẹ quan tâm tới con cái nhiều hơn. Khi thấy một đứa trẻ "cắm mặt" vào điện thoại cả giờ, thậm chí bỏ bê ăn uống, lơ là học hành, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh tức là trẻ đã có dấu hiệu nghiện mạng.

Những dấu hiệu cảnh báo nghiện mạng

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, để kiểm tra bản thân hoặc con em có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không nên chú ý đến một trong các biểu hiện dưới đây:

- Đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook nhưng không thành công. Cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều.

- Bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook.

- Sử dụng Facebook rất nhiều, đến nỗi làm tác động tiêu cực đến công việc, học tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại