Ra máu bất thường, người bệnh chủ quan không đi khám vì nghĩ nhầm dấu hiệu tiền mãn kinh nhưng thực tế bệnh ung thư đã tiến triển sang giai đoạn 2.
Chị Nguyễn V. A. (SN 1971, Hà Nội) ra máu bất thường tại vùng kín nhưng nghĩ là rối loạn tiền mãn kinh nên không đi khám. Khi hiện tượng kéo dài một thời gian kèm theo mệt mỏi, chị mới tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Sau các bước khám, siêu âm, xét nghiệm, sinh thiết, chị được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Lúc này, khối u đã to, mặc dù điều trị thành công nhưng phải chấp nhận liệu trình vất vả, cần hóa xạ trị tiền phẫu rồi mới phẫu thuật.
Sau 1 năm điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định tuy nhiên đối mặt với tỷ lệ tái phát cao, tốn kém về thời gian, tiền bạc và sức khỏe.
Tưởng tiền mãn kinh đi khám bệnh ra ung thư. Ảnh minh họa
TS. BS. Nguyễn Đức Phúc - Phụ trách bộ phận Ung thư E5 - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cho biết ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến, đứng thứ 4 ở phụ nữ.
Năm 2018, trên thế giới có khoảng 569.784 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có đến 311.365 ca đã tử vong. Ung thư cổ tử cung cũng là nguyên nhân thứ 4 trong các bệnh ung thư gây ra tử vong ở phụ nữ.
Hàng năm tại Việt Nam có thêm hơn 5.000 bệnh nhân ung thư cổ tử cung và 50% số bệnh nhân này tử vong.
Tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở các nước kém phát triển cao gấp 5 lần so với các nước phát triển.
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus gây u nhú ở người (gọi tắt là HPV) gây nên. Tuy nhiên, nhiều chị em nghĩ rằng HPV không ảnh hưởng đến mình. 80% phụ nữ nhiễm HPV một lần trong đời. Virus HPV là một mối nguy hiểm thầm lặng.
BS Phúc cho biết HPV gồm hơn 100 chủng, phân ra loại nguy cơ thấp và nguy cơ cao. HPV chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục. Một số tuýp HPV gây ra mụn cóc trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các tuýp này được gọi là các loại HPV nguy cơ thấp vì chúng hiếm khi liên quan đến ung thư.
Các tuýp HPV được gọi là loại nguy cơ cao khi chúng có liên quan chặt chẽ với bệnh ung thư. 14 chủng nguy cơ cao liên quan đến ung thư cổ tử cung: 59, 51, 39, 16, 56, 18, 68, 45, 52, 31, 33, 58, 35, 66. Trong đó, HPV chủng 16 & 18 gây nên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Tiêm vaccine HPV ở độ tuổi 9 - 26 và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở độ tuổi cao hơn là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nữ giới.
Khi đang ở giai đoạn tiền ung thư và được phát hiện kịp thời, việc điều trị dễ dàng và tỷ lệ điều trị khỏi là 100%. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo tới tất cả chị em: khi đã có quan hệ tình dục, tất cả phụ nữ đều nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
Ngay khi thấy các hiện tượng như đau vùng chậu, chảy máu âm đạo hoặc có dịch tiết âm đạo bất thường, bỗng nhiên thay đổi thói quen tiểu tiện hoặc thay đổi chu kỳ kinh nguyệt không rõ lý do, đau hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục,... chị em nên khám ngay với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra chính xác nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Theo khuyến cáo của WHO và các hiệp hội về ung thư, sản phụ khoa, phụ nữ từ 21 đến 60 tuổi, đã sinh hoạt tình dục cần tầm soát ung thư, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi 30 – 40.
Tầm soát ung thư là kết hợp giữa khám phụ khoa và làm xét nghiệm tế bào âm đạo và HPV DNA, đây là các xét nghiệm chị em phụ nữ nên làm.
Có rất nhiều phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung. Bác sĩ có thể lấy tế bào trực tiếp ở cổ từ cung tìm tế bào gây ung thư cổ tử cung. Một bên khác xét nghiệm HPV là tìm virus có gây ung thư không. Nếu người nhiễm HPV vào tuýp gây ung thư cao cần sàng lọc.
Phòng ung thư cổ tử cung cấp độ 1 là tiêm vaccine HPV ở độ tuổi 9 - 26 và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở độ tuổi lớn hơn là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nữ giới.