Năm 2012, TS. Hà Phương Thư là một trong 3 nhà khoa học nữ được vinh danh với Giải thưởng L'Oreal UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" bằng đề tài nghiên cứu "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư".
Đặc biệt, ngày 11-10-2016, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Hà Phương Thư đã ghi một dấu ấn mới trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư bằng việc công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC ưu việt với việc sử dụng toàn bộ nguyên liệu là hợp chất từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam.
Từ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài …
Hơi ngạc nhiên khi biết, nhà khoa học nữ sinh ra và lớn lên ở xứ Huế này vốn là một cô giáo. Trước đây, TS. Hà Phương Thư vốn là giáo viên của trường THPT An Lương Đông, TP Huế, sau khi chị tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế để nối nghiệp gia đình.
Dạy học được vài năm, chị ra Hà Nội tiếp tục nghiệp "đèn sách", làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học ở Hà Nội và năm 2003 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Ngay sau đó, với kết quả học tập xuất sắc, chị đã nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử Pháp.
Những năm tháng du học, được tiếp cận với nhiều vấn đề khoa học, những đề tài thú vị và có giá trị trong đời sống, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong chị chợt thức dậy. Hình như đến lúc đó, khát vọng nghiên cứu khoa học vốn tiềm ẩn trong chị mới bùng cháy.
Kết quả nghiên cứu và năng lực làm việc nổi trội của TS. Hà Phương Thư đã khiến chị "lọt mắt xanh" của nhiều công ty ở nước ngoài, để chị nhận được nhiều lời mời làm việc cùng mức lương hấp dẫn trong những môi trường làm việc hiện đại và một tương lai sáng.
Tiến sĩ Hà Phương Thư.
Nhưng rất nhiều người đã ngỡ ngàng khi thấy chị từ chối những cơ hội mà bao người mơ ước không dễ có được, để trở về quê hương, với mong muốn giản dị là mang những kiến thức đã có được từ bao năm học ở xứ người, để làm những điều có ích, góp phần phát triển đất nước.
Không phải không có những day dứt khi giã từ những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều tốt lành trong tương lai, nhưng tiếng gọi từ quê hương, từ gia đình vẫn có sức hút mạnh mẽ với TS. Hà Phương Thư, nhất là chị luôn đau đáu với nền khoa học còn chưa phát triển của Việt Nam.
Năm 2007, TS. Hà Phương Thư chính thức trở thành một thành viên đầy năng lực của Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, rồi được bổ nhiệm Trưởng phòng Vật liệu Nano Y Sinh.
Làm việc trong môi trường khoa học còn nhiều thiếu thốn, TS. Hà Phương Thư đã phải cố gắng rất nhiều. Chị vượt qua những khó khăn, thử thách bằng tình yêu khoa học, bằng niềm say mê sáng tạo để trở thành tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
Đặc biệt, anh chị và chồng đều là bác sĩ, nên TS. Hà Phương Thư luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tối đa trong công tác nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt là việc tiếp cận nghiên cứu công nghệ Nano Y Sinh cũng như ứng dụng vào thực tế thuận lợi hơn.
Trong mỗi thành công của mình, TS. Hà Phương Thư luôn cảm nhận dấu ấn rất rõ của người đàn ông "chung nhà" - TS.BS. Bùi Thúc Quang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Khi về Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Hà Phương Thư mới bắt đầu làm quen với công nghệ Nano, nhưng chỉ 3 năm sau, năm 2010, chị đã có công bố quốc tế đầu tiên về lĩnh vực Nano Y Sinh và đến nay, chị đã làm nên một điều kỳ diệu: có 29 công bố quốc tế về lĩnh vực này.
Chị còn làm chủ nhiệm đề tài cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Nafosted, đề tài nhà nước. Chạm tuổi 40, TS. Hà Phương Thư đã khẳng định mình bằng Giải thưởng L'Oreal UNESCO và sau đó là Giải "Ngày Phụ nữ sáng tạo" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
… chuyên tâm với cây cỏ Việt
Khi TS. Hà Phương Thư quay về Việt Nam cũng là lúc công nghệ Nano do Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đề xuất mới được đưa vào nghiên cứu ở Viện Khoa học vật liệu. Vì thế, chị cũng bắt đầu làm quen với công nghệ này dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Thị Minh Nguyệt.
TS Hà Phương Thư (đầu tiên bên trái) chứng kiến lễ ký kết chuyển giao Phức hệ Nano FGC.
Nhưng con đường nghiên cứu khoa học luôn đầy rẫy thử thách. Công nghệ Nano là lĩnh vực hoàn toàn mới cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, đặc biệt là ứng dụng trong y sinh.
Với hướng đi mới, Viện Khoa học vật liệu đã thành lập Phòng Vật liệu Nano Y Sinh do GS. Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng phòng, sau đó Hà Phương Thư "tiếp quản", nên chị có cơ hội nghiên cứu về lĩnh vực này.
Cũng chính vì công nghệ Nano còn mới mẻ nên từ trang thiết bị, dụng cụ, đến con người đều thiếu. Mà, để có những người đồng hành vừa có trình độ vừa đam mê, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho khoa học không hề dễ dàng.
Để có kinh phí nghiên cứu thì phải có đề tài để thực hiện và ý tưởng đưa ra phải độc đáo, mới thuyết phục được Hội đồng cùng những đơn vị tài trợ.
Nhưng các giải thưởng đã mang đến cho TS. Hà Phương Thư "may mắn kép". Ths. Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI, một dược sĩ luôn tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học từ cây cỏ Việt Nam đã chủ động tìm gặp chị đề nghị hợp tác sau khi xem chị phát biểu trên TV về đề tài "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư".
"Cái bắt tay" đầu tiên giữa nhà khoa học nữ với Ths. Phan Văn Hiệu vào năm 2013 đã cho ra đời một số sản phẩm trong điều trị trĩ, gan, viêm họng v.v…
TS. Hà Phương Thư chia sẻ: "Sự hợp tác giữa chúng tôi tuy muộn màng, nhưng tôi có sự tin tưởng vì Ths. Phan Văn Hiệu và Nguyễn Trường Thành (Giám đốc Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI) - đã đi đúng hướng, khi chỉ "chọn mặt gửi vàng" với những nhà khoa học nghiên cứu sâu và thực sự tâm huyết, nên nghĩ ra ý tưởng gì hay tôi liền gửi cho anh Hiệu, để cùng bàn bạc, trao đổi. Sau đó, anh Hiệu đã gợi ý cho tôi bài thuốc Hắc hoàng kỳ phương của Tây Tạng từ củ nghệ và tam thất".
Điều này rất hợp với tư duy của TS. Hà Phương Thư. Bởi thời gian học ở Nhật và Pháp, chị thấy họ rất coi trọng thực phẩm chức năng từ thiên nhiên và ăn uống rất tinh.
Còn Việt Nam có nhiều loại cây cỏ, nhiều bài thuốc hay trong y học cổ truyền, nhưng khi sử dụng thường phải nấu cao, sắc thuốc hoặc ngâm rượu nên hiệu quả không cao do các dược chất ít tan, hấp thu kém.
Ví như củ nghệ có hoạt chất Curcumin và tam thất có hoạt chất Saponin có thể hỗ trợ tốt trong điều trị ung thư, nhưng lâu nay việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường ít hiệu quả, vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất không cao.
Do đó, chị đã hướng đến việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Nano nhằm đưa Curcumin từ đặc điểm khó tan thành những chất tan tốt trong nước bằng phức hệ Nano FGC.
Có ý tưởng rồi nhưng việc thuyết phục Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI đồng ý đầu tư làm sản phẩm này không dễ. Vì theo Ths. Phan Văn Hiệu, để sản xuất một sản phẩm mới có vô vàn thách thức.
Nhiều nhà khoa học công bố nghiên cứu nhưng không thể biến thành sản phẩm sản xuất đại trà được, vì khi nâng quy mô từ sản xuất thí nghiệm lên quy mô sản xuất thử nghiệm, rồi quy mô sản xuất công nghiệp là chất lượng bị thay đổi, trong khi yêu cầu đòi hỏi chất lượng phải ổn định và giá thành giảm.
Cũng vì thế, đã có nhiều nhà khoa học có kết quả nghiên cứu rất tốt, nhưng không thể sản xuất được hoặc sản xuất ra chất lượng không như báo cáo. Đó chính là khó khăn rất lớn của công tác nghiên cứu khoa học.
Nhưng TS. Hà Phương Thư không dễ bỏ cuộc, mà quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình.
Với thế mạnh của chị là nghiên cứu cơ bản rất thành công, chị đã đưa hàng chục công trình được công bố quốc tế ra "chinh phục" bằng được Ths. Phan Văn Hiệu - người tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Dược và luôn giữ được cái tâm của người thầy thuốc, đặc biệt là luôn định hướng theo con đường khoa học để làm ra sản phẩm thuốc Việt.
Từng làm khoa học nên Ths. Phan Văn Hiệu đánh giá cao những thành công của nhà khoa học nữ và hiểu rằng, đó sẽ là nền tảng cho kết quả nghiên cứu sau này.
Vì thế, anh đã tin tưởng TS. Hà Phương Thư để đồng ý đầu tư cho việc sản xuất thử nghiệm sản phẩm CumarGold Kare, đồng thời, đánh giá hiệu quả sản phẩm này được thực hiện tại Học viện Quân y.
Sản phẩm Cumargold Kare dùng để hỗ trợ điều trị ung thư đã ra đời trong một hành trình kéo dài nhiều năm đầy khó khăn như thế.
PGS.TS. Nguyễn Lĩnh Toàn (Học Viện Quân y), một trong những người đã trực tiếp tiến hành thử nghiệm hoạt tính sinh học chống ung thư của sản phẩm CumarGold Kare tại Học viện Quân y gần một năm qua cho hay:
"Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của CumarGold Kare trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt người và thử nghiệm trên chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mice) mang khối ung thư phổi người.
Kết quả cho thấy, CumarGold Kare có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, đặc biệt trên dòng tế bào ung thư phổi A549, ung thư gan Hep-3B, ung thư vòm họng HTB-43.
Tế bào ung thư có biểu hiện thưa thớt dần theo thời gian, hình dạng bị biến đổi, thoái hóa. Trên chuột nude mang khối ung thư phổi người, CumarGold Kare có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỉ lệ sống sót so với nhóm chứng.
Đặc biệt nhóm chuột ung thư sử dụng kèm CumarGold Kare với hóa chất kháng ung thư (Doxorubicine) có tỉ lệ tế bào miễn dịch NK và DC cao hơn so với tất cả các nhóm khác, và bao gồm cả nhóm chứng, chứng tỏ CumarGold Kare có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu".
Từ tình thương những người bệnh ung thư
Vì sao chị lại dành nhiều ưu ái cho việc nghiên cứu công nghệ để hỗ trợ điều trị ung thư là câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra với nhà khoa học trẻ. TS. Hà Phương Thư tâm sự: Gia đình có nhiều người làm thầy thuốc, nên chị luôn mong muốn làm gì đó để giúp đỡ cho những người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư.
Bởi mỗi năm Việt Nam có gần 200.000 người mắc ung thư và trên 100.000 người tử vong do bệnh này. Số mắc và tử vong vẫn ngày càng tăng, trong khi chi phí điều trị lại cao, còn mức sống người dân lại thấp.
Riêng năm 2013, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phải chi trả chi phí điều trị ung thư tới 160 triệu USD, nên năm 2015, Bộ Y tế phải cắt giảm chi trả BHYT đối với 28 thuốc điều trị ung thư từ 50 - 100% xuống còn 30 - 50%.
Vì thế, TS. Hà Phương Thư luôn trăn trở là tìm giải pháp cho việc phòng và hỗ trợ điều trị ung thư với các tiêu chí: Giảm tỉ lệ mắc, hỗ trợ hiệu quả cho điều trị với giá thành thấp.
TS. Hà Phương Thư chia sẻ: Căn bệnh ung thư hằn sâu trong ký ức tôi nỗi sợ hãi khi phải chứng kiến người bệnh tiều tụy ra đi chỉ sau một thời gian ngắn ngủi.
Đó không chỉ là nỗi đau thể xác, tinh thần của người bệnh mà còn là cuộc chiến về ý chí, nghị lực và kinh tế của cả gia đình.
Đó cũng là điều thôi thúc tôi ngày đêm nghiên cứu trong suốt quãng thời gian học tập, làm việc tại Pháp, Nhật với mong muốn mang công nghệ hiện đại tạo ra một sản phẩm chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư thương hiệu Việt.
Khát vọng đó đã là động lực để TS. Hà Phương Thư tập trung nghiên cứu đề tài "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư".
Giá trị của công trình này đã được Hội đồng khoa học quốc gia Loreal- UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" đánh giá cao dựa trên tính hiện đại và tính khoa học.
Đánh giá về đề án này, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi rất mừng vì các nhà khoa học trẻ trong nước đã tiếp cận được với hướng nghiên cứu này. Khi được áp dụng vào thực tế sẽ mang lại những hiệu quả rất cao".
Những dự cảm của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã đúng.
Chỉ sau vài năm, ngày 11-10 vừa qua, chính ông lại có mặt trong buổi công bố "Ứng dụng công nghệ Nano chế tạo Phức hệ Nano FGC" của TS. Hà Phương Thư cùng với sự ra đời của sản phẩm Cumargold Kare bằng tất cả tâm huyết, tình cảm và trăn trở của nhà khoa học nữ dành cho bệnh nhân ung thư.
Đây là một bước đi mới trong lĩnh vực điều trị ung thư ở Việt Nam và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam số người mắc và tử vong do ung thư đang ngày một tăng.
Trong ngày Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chính thức ký kết chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC trong dự phòng và điều trị ung thư cho Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI, TS. Hà Phương Thư xúc động: Nếu không có sự hợp tác tích cực của Ths. Phan Văn Hiệu để biến khát vọng của tôi thành hiện thực, thì mãi mãi tôi sẽ không làm ra được sản phẩm gì, mà chỉ dừng ở nghiên cứu cơ bản.
Theo Thanh Hằng/Báo Công an nhân dân