Nguyên soái Liên Xô Zhukov trên chiến trường Thế chiến II. Ảnh: Sputnik.
Zhukov là một trong các tác giả chính của chiến thắng Liên Xô trước nước Đức Quốc xã. Ông tham gia xây dựng các chiến dịch có tầm quan trọng nhất của Hồng quân thời Thế chiến II. Binh sĩ Liên Xô thường nói như sau về ông: “Ở đâu có Zhukov, ở đó có chiến thắng”.
Georgy Zhukov khởi đầu binh nghiệp trên chiến trường Thế chiến I, thời kỳ này ông được Đế chế Nga tặng thưởng Huân chương Thập tự Thánh George.
Nổi lên từ trận chiến với quân Nhật
Zhukov cũng tham gia Nội chiến Nga khi ông gia nhập đảng Bolshevik sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Mãi đến sau này, vào mùa hè năm 1939, trong cuộc chiến chống quân đội Đế quốc Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol, ông mới trở thành một vị chỉ huy tiếng tăm trong quân đội Liên Xô.
Lúc đó Zhukov được giao nắm quyền chỉ huy lực lượng Hồng quân đang gặp khó khăn trong việc cầm chân quân Nhật vừa tiến vào lãnh thổ Mông Cổ - đồng minh của Liên Xô. Zhukov đã nhanh chóng thể hiện tài năng, chuyển bại thành thắng. Ông không chỉ đẩy lui cuộc tấn công do đối phương lên kế hoạch sẵn nhằm đánh vào sau lưng Hồng quân, mà còn bố trí lực lượng để vây lại và tiêu diệt quân địch.
Zhukov sau này báo cáo với lãnh tụ Stalin như sau: “Đối với toàn thể quân ta, chỉ huy các đơn vị, và với cá nhân tôi, loạt trận chiến Khalkhin Gol là một trường học lớn cung cấp kinh nghiệm chiến đấu. Tôi cho rằng phía Nhật Bản cũng đã rút ra các kết luận riêng chính xác về sức mạnh và năng lực của Hồng quân”.
Nhận định của Zhukov là chính xác. Sau thất bại ở Khalkhin Gol, phía Nhật Bản trở nên thận trọng hơn trong các ý đồ chống lại Liên Xô.
Phẩm chất của viên chỉ huy tài năng
Konstantin Rokossovsky - một chỉ huy xuất sắc khác của Hồng quân, nói về tướng Zhukov: “Theo quan điểm của tôi, Georgy Konstantinovich Zhukov vẫn là một con người có ý chí mạnh mẽ và lòng quyết tâm, một người đầy tài năng với các phẩm chất cần thiết cho một tư lệnh quân sự”.
Zhukov luôn hành động một cách táo bạo và quyết đoán. Ông biết cách đánh giá đúng đắn một tình huống chiến lược phức tạp và đưa ra quyết định đúng trong những hoàn cảnh cấp bách và thay đổi nhanh chóng.
Ông là một trong các chỉ huy quân sự đầu tiên của Liên Xô nhận ra tầm quan trọng của lực lượng cơ giới hóa trong tác chiến hiện đại và ông học cách sử dụng lực lượng này một cách hiệu quả.
Sau khi Đức xâm lược Liên Xô, vai trò của Zhukov càng tăng. Ông không chỉ là thành viên thường trực của Bộ chỉ huy Tối cao và là phó cho Tổng tư lệnh Joseph Stalin, mà vào các thời điểm khác nhau, ông còn chỉ huy lực lượng của 5 phương diện quân. Georgy Zhukov được cử tới những khu vực mà quân thù tung ra những đòn đánh hiểm ác nhất.
Vào tháng 9/1941, Georgy Zhukov đến Leningrad, khi đó đang đứng bên bờ vực thảm họa. Theo lệnh của Zhukov, bất cứ chỉ huy hoặc binh sĩ nào rút lui hoặc bỏ vị trí phòng ngự trong thành phố này khi chưa có lệnh thì sẽ bị xử bắn ngay lập tức.
P. Mushtakov, người tham gia bảo vệ thành phố này nhớ lại: “Một người hoảng loạn có thể làm đảo lộn cả một đơn vị. Các tiểu đội, trung đội có thể hứng chịu tổn thất lớn chỉ vì một kẻ hèn nhát. Tất cả chúng tôi đã trải qua điều này trong các trận đánh tại Leningrad. Do vậy tôi có thể tự tin tuyên bố rằng các mệnh lệnh của Zhukov đã giúp chúng tôi đánh bại quân thù”.
Cuối cùng, sau khi đã huy động được tất cả các nguồn lực khan hiếm của thành phố Leningrad, vị tướng Zhukov đã giúp ổn định mặt trận này và ngăn quân địch chiếm được thành phố, cũng như ngăn chặn Ba Lan hội quân với Đức.
Khi Moscow nguy ngập
Vào tháng 10/1941, khi Đức mở chiến dịch Typhoon tiến đánh theo hướng Moscow, Zhukov được điều động về thủ đô. Lực lượng của Phương diện quân phía Tây dưới quyền chỉ huy của Zhukov đã chống trả các đòn tấn công chính của Đức, làm hao mòn và suy yếu quân Đức .
Ngày 5/12 năm đó chứng kiến sự mở đầu cuộc phản công quy mô lớn của Hồng quân. Zhukov đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng kế hoạch cho cuộc phản công này. Nhờ cuộc phản công đó, quân đội Đức bị đánh bật ra khỏi thủ đô Moscow từ 100-250km.
Zhukov nhớ lại: “Thời kỳ chiến đấu cam go đó, cá nhân tôi chỉ ngủ không quá 2 tiếng mỗi ngày... Khi thời kỳ khủng hoảng của trận chiến Moscow đã qua, tôi chìm nhanh vào giấc ngủ đến nỗi trong một thời gian dài người ta không đánh thức nổi tôi dậy. Stalin đã gọi điện cho tôi 2 lần trong quãng thời gian này.
Cấp dưới báo cáo với Stalin: “Zhukov đang ngủ và chúng tôi không tài nào làm cho đồng chí ấy thức giấc được. Tổng tư lệnh trả lời: “Đừng đánh thức đồng chí ấy, hãy đợi đến khi nào đồng chí ấy tự thức giấc”.”
Tỷ lệ thương vong thấp
Thời kỳ hậu Xô viết, ở Nga nở rộ quan điểm cho rằng Nguyên soái Zhukov là người “nướng quân” trong các cuộc đối đầu với quân thù.
Tuy nhiên, các con số thống kê lại phản ánh điều ngược lại. Sử gia Aleksei Isaev phản bác: “Ông ấy nổi bật về mức độ thương vong thấp ở binh sĩ của mình. Ông ấy thường xuyên có tỷ lệ binh sĩ thương vong thấp hơn so với các chỉ huy khác, chẳng hạn như Konev hay Malinovsky. Đó là lý do vì sao ông được tin tưởng giao phó một phương diện quân đông tới một triệu người. Họ biết rõ ông có thể quản lý hiệu quả đội hình này và giữ thương vong ở mức độ vừa phải, bởi lẽ ông thực sự là một viên chỉ huy chuyên nghiệp thượng hạng”.
Tất nhiên không phải lúc nào Nguyên soái Zhukov cũng thành công mỹ mãn. Chẳng hạn chiến dịch Rzhev-Sychevka lần 2 (còn gọi là chiến dịch Sao Hỏa) diễn ra dưới sự chỉ huy của Zhukov, bắt đầu vào ngày 15/11/1942, chỉ một tuần sau khi Hồng quân tiến hành tấn công quân Đức ở Stalingrad.
Chiến dịch Sao Hỏa kết thúc trong thất bại, nhưng vẫn có vai trò tích cực. Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức (đã bị suy yếu) đã không thể gửi lực lượng dự bị tới giúp đỡ Tập đoàn quân số 6 của Thống chế Friedrich Paulus bị bao vây tại Stalingrad.
Công thủ toàn diện
Zhukov cũng là kiến trúc sư cho chiến thắng của Hồng quân tại khúc lồi Kursk vào mùa hè năm 1943 – sau đó quân Đức đánh mất quyền chủ động trước Liên Xô. Chính Zhukov khuyên Bộ chỉ huy Tối cao không tổ chức phản công quy mô lớn, mà thực hiện phòng ngự trước.
Báo cáo của ông đề ngày 8/4/1943 viết: “Tốt hơn, chúng ta nên dùng thế phòng ngự để tiêu hao lực lượng địch, phá hủy xe tăng của chúng, sau đó khi có lực lượng dự bị mới, sẽ chuyển sang tổng phản công, tiêu diệt dứt điểm lực lượng còn lại của địch”. Kế hoạch này được triển khai vào tháng 7 và tháng 8.
Được phong Nguyên soái Liên Xô vào năm 1943, Georgy Konstantinovich Zhukov thực hiện các chiến dịch tiến công quy mô lớn đập tan và gây choáng váng cho kẻ thù.
Tướng Đức Friedrich Wilhelm von Mellenthin mô tả chiến dịch Vistula-Oder (trong đó Phương diện quân Belorussia số 1 của Zhukov đánh tan 35 sư đoàn Đức): “Cuộc tấn công của Nga phát triển với sức mạnh và tốc độ chưa từng có tiền lệ. Đây là một thảm kịch với quy mô chưa từng thấy... Châu Âu chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này kể từ khi Đế chế La Mã bị tàn phá”.
Không có gì ngạc nhiên khi Stalin giao cho Zhukov nhiệm vụ đánh chiếm thủ đô của Đệ tam Đế chế (tức Đức Quốc xã), và sau đó là tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào cuối tháng 6.
Sau chiến tranh, Zhukov bị thất sủng do bất đồng với Stalin và cả người kế vị, Nikita Khrushchev. Tuy vậy, Zhukov vẫn giành được tình cảm trìu mến từ dân thường – những người đặt cho ông biệt danh “Nguyên soái Chiến thắng”.
Về phần mình, Zhukov viết trong hồi ký: “Điều quan trọng nhất đối với tôi là phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Tôi có thể nói với một lương tâm trong sáng rằng tôi đã làm mọi thứ có thể để hoàn thành nhiệm vụ này”.