Nguyên nhân nào khiến người mắc COVID-19 trở nên "siêu lây nhiễm"?

Nhật Anh |

Theo các nhà khoa học Mỹ, béo phì, tuổi tác và virus SARS-CoV-2 có sự liên quan mật thiết với nhau.

Nguyên nhân nào khiến người mắc COVID-19 trở nên siêu lây nhiễm? - Ảnh 1.

Hình minh họa: Bloomberg Quint

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Tulane, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, thực hiện, được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. Kết quả được quan sát dựa trên 194 người khỏe mạnh và nghiên cứu thực nghiệm trên động vật linh trưởng.

Nhóm tác giả nghiên cứu nhận thấy: Người bệnh COVID-19 trong tình trạng béo phì và cao tuổi có xu hướng thở ra nhiều giọt bắn qua đường hô hấp. Cụ thể, người lớn tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn tạo ra lượng giọt bắn cao gấp 3 lần người bình thường. Nhóm chuyên gia cũng phát hiện 18% bệnh nhân trong số này là nguồn lây của 80% còn lại. Tỷ lệ này thường thấy trong các bệnh truyền nhiễm.

Ở động vật linh trưởng, lượng giọt bắn tăng lên khi SARS-CoV-2 bắt đầu xâm nhập vào tế bào. Nó đạt mức cao nhất sau một tuần loài vật này bị nhiễm virus. Sau 2 tuần, mức này trở lại bình thường.

Đáng chú ý, các giọt bắn chứa virus có thể tồn tại lâu hơn trong không khí, bay xa và xâm nhập vào phổi khi người lành vô tình hít phải.

Nguyên nhân nào khiến người mắc COVID-19 trở nên siêu lây nhiễm? - Ảnh 2.

Với người mắc COVID-19 là người lớn tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn, sẽ tạo ra lượng giọt bắn cao gấp 3 lần người bình thường. (Ảnh minh họa: The Guardian)

Tiến sĩ Chad Roy, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tulane, cho biết: Điều này xảy ra cả ở những người mắc COVID-19 không có triệu chứng.

"Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của những giọt bắn trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính ở các bệnh truyền nhiễm khác như lao. Dường như virus và vi khuẩn trong đường thở đã làm hỏng các chất nhầy ở mũi, hệ hô hấp. Nó khiến các phân tử chứa virus, vi khuẩn bị đẩy ra ngoài nhanh hơn, nhiều hơn và tiếp tục lây nhiễm cho người khác" - Tiến sĩ Roy nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ David Edwards, thuộc Đại học Harvard, cho biết: Việc tạo ra các giọt hô hấp trong đường thở phụ thuộc vào cấu tạo cơ thể của từng người.

"Chúng tôi nhận thấy những người trẻ, khỏe mạnh có xu hướng tạo ra ít giọt bắn hơn so với nhóm trung niên, sức khỏe kém. Tuy nhiên, điều đó không loại trừ bất kỳ ai. Mọi lứa tuổi, giới tính cũng đều có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm nếu tiếp xúc nhiều người" - Tiến sĩ Edwards nói thêm.

Hiện tại, dữ liệu này không phân biệt nguy cơ lây nhiễm ở biến chủng SARS-CoV-2 mới với chủng cũ. Chúng ta vẫn chưa thể biết cơ chế lây lan cao hơn ở một số biến chủng như B117 có liên quan đến lứa tuổi, chỉ số khối hay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hay hông?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại