Những ngày gần đây, ô nhiễm không khí tiếp tục có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng trầm trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Theo ghi nhận của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air trong buổi sáng các ngày 7, 8, 9 của tháng 11, chất lượng không khí vẫn phổ biến ở mức tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Có thời điểm, chất lượng không khí xuống thấp, thuộc nhóm các nước ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Những ngày qua ô nhiễm không khí trầm trọng xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
Vào chiều và tối, chất lượng không khí không được cải thiện nhiều, phổ biến ở ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người). Ô nhiễm không chỉ tập trung tại các khu đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh như Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định...
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đợt ô nhiễm không khí đang diễn ra, có nhiều nguyên nhân nhưng điển hình nhất là hệ quả từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch. Nguồn phát thải nội sinh lớn từ đốt rơm rạ, cùng với các điều kiện khí tượng đặc trưng của miền Bắc mùa này gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.
Ghi nhận vào thời điểm 8h40 sáng 9/11, chất lượng không khí ở Hà Nội xuống mức rất thấp.
"Lượng bụi phát sinh lớn từ hoạt động đốt rơm rạ, kết hợp với điều kiện thời tiết lặng gió làm cho bụi không phát tán được mà đọng lại gần bề mặt khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng hơn", TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Theo lý giải từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc cũng bị chi phối mạnh bởi quy luật của thời tiết. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi trời ít mưa và điều kiện nghịch nhiệt xảy ra.
Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 ghi nhận, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó bụi mịn PM2.5 được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Kết quả nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Tự nhiên về hoạt động đốt rơm rạ ở Hà Nội cũng cho thấy, quá trình đốt sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5... Trong đó đáng lưu ý, lượng bụi mịn PM2,5 phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ là rất lớn.
Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Với khoảng 20% trong số đó bị đốt đã phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2, báo cáo của Đại học Khoa học Tự nhiên về kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng nêu.
Ghi nhận vào thời điểm 8h45 sáng 9/11, chất lượng không khí ở miền Bắc nhiều nơi xuống mức rất thấp.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hoạt động đốt rơm rạ là vấn đề môi trường nghiêm trọng do tính chất cục bộ, chất ô nhiễm tập trung trong thời gian ngắn. Ngoài ra, thông qua mô hình tính toán lan truyền, các nhà khoa học còn ghi nhận sự phát tán bụi mịn từ hoạt động đốt rơm rạ đến những khu vực xa. Hoạt động đốt rơm rạ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch./.