LTS: Sau bài viết "Cuộc chiến với Covid-19 ở Châu Âu: Sao ra cơ sự này?" nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, chúng tôi tiếp tục đăng bài tiếp theo của PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Bài viết lần này là sự lý giải về những kỳ tích chống dịch của Việt Nam trong quá khứ, từ đó ông bày tỏ niềm tin tưởng rất lớn vào công cuộc chống Covid-19 lần này của nước ta.
Chúng ta đã vượt qua nhiều dịch lớn nhỏ trong lịch sử
Hệ thống Y tế dự phòng Việt Nam được hình thành từ năm 1955, một năm sau ngày giải phóng Thủ đô.
Tại Bộ Y tế, khi đó Chính phủ thành lập Vụ Vệ sinh phòng bệnh và chỉ đạo thành lập mạng lưới Vệ sinh phòng bệnh của toàn quốc. Mạng lưới này áp dụng mô hình Vệ sinh phòng dịch của Liên Xô cũ đã được thử thách qua Đại chiến thế giới thứ hai và tỏ ra rất có hiệu quả.
Cơ quan đầu não của mạng lưới là Vụ Vệ sinh phòng bệnh, và sau đổi tên là Vụ Vệ sinh phòng dịch đặt tại Bộ Y tế (hiện nay ở Bộ Y tế Cộng hòa Liên bang Nga vẫn còn Cục Vệ sinh phòng dịch).
Tại tuyến tỉnh, Ủy ban hành chính tỉnh thành lập Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh, tại tuyến huyện có Đội vệ sinh phòng dịch huyện. Tại trạm y tế xã có một cán bộ chuyên trách vệ sinh phòng dịch, và dưới nữa là các nhân viên y tế thôn bản.
Tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương mà Chính phủ cho phép thành lập các đơn vị chuyên môn đặc thù ở tỉnh như:
- Trạm phòng chống mắt hột,
- Trạm phòng chống sốt rét,
- Trạm phòng chống lao...
Khi đã khống chế được căn bệnh dịch đó thì trạm chuyên trách có thể sát nhập trở về Trạm Vệ sinh phòng dịch.
Các Trạm Vệ sinh phòng dịch (cấp tỉnh) thực hiện hai nhiệm vụ chính là vệ sinh và phòng dịch.
Vào những năm 1990, Vụ Vệ sinh phòng dịch (Bộ Y tế) đổi tên thành Vụ Y tế dự phòng, các Trạm Vệ sinh phòng dịch (cấp tỉnh) đổi thành các Trung tâm Y tế dự phòng, các Đội vệ sinh phòng dịch (cấp huyện) thành Trung tâm Y tế dự phòng huyện.
Vào đầu thế kỷ 21, Vụ Y tế dự phòng chuyển thành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Các Trung tâm Y tế dự phòng (cấp tỉnh) trong những năm gần đây đã sát nhập các trung tâm khác ở tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC); ở tuyến huyện thì các Trung tâm Y tế dự phòng huyện nhập vào Trung tâm Y tế huyện.
Về chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ cho Bộ Y tế chống dịch chúng ta có hệ thống các viện chuyên môn như: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur ở thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang, các Viện sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng trung ương, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi một viện đảm nhận hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng chống dịch bệnh một khu vực của đất nước.
Ngay từ những ngày đầu sau khi hòa bình tái lập ở miến Bắc, hệ thống Vệ sinh phòng dịch đã tập trung vào tiêu diệt bệnh mắt hột, một căn bệnh truyền nhiễm đang hoành hành vào thời đó. Trong vòng 10 năm căn bệnh này hầu như đã được khống chế.
Với phong trào xây dựng nhà tiêu hai ngăn và giếng nước rộng khắp thì các bệnh kiết lỵ, thương hàn vào những năm 1960, 1970 đã lan tràn với hàng triệu ca một năm ở miền Bắc cũng đã được giảm mạnh xuống bốn con số rồi ba con số.
Dịch hạch, dịch tả xuất phát tại các tỉnh phía Nam sau ngày Thống nhất đất nước cũng đã được dập tắt. Việc thực hiện tiêm chủng toàn quốc đã giúp chúng ta thanh toán các bệnh tối nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt và các bệnh trẻ em khác như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Sau năm 1975, hệ thống Vệ sinh phòng dịch được mở rộng ra toàn quốc và ngày càng được củng cố, tăng cường về chuyên môn kỹ thuật.
Trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống Vệ sinh phòng dịch và sau này là Y tế dự phòng của Việt Nam đã được thử thách và tôi luyện qua các vụ dịch nguy hiểm, bảo vệ được sinh mạng của nhân dân.
Riêng trong những năm đầu thế kỷ 21 này, đã có 4 đợt dịch tối nguy hiểm đã được ngành y tế nước ta khống chế thành công. Đó là dịch SARS năm 2003 với Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được dịch, rồi dịch tả năm 2007-2008, đại dịch cúm AH1N1 năm 2009. Ngoài ra các bệnh tối nguy hiểm khác có thể thành dịch như cúm gia cầm H5N1 trên người cũng đã được giám sát chặt chẽ từng ca bệnh.
Các dịch Ebola, MERS cũng không vào được Việt Nam.
Đặc biệt hiện nay hệ y tế dự phòng Việt Nam dang đương đầu với Đại dịch Covid-19. Cho đến ngày hôm nay, sau hơn 3 tháng căng mình chống chọi với con virus SARS-CoV-2, chúng ta vẫn đứng vững, mặc dù hệ thống phòng chống dịch của nhiều nước phát triển giàu có đã bị "hạ nốc ao".
Ngay cả hệ thống Trung tâm Kiểm soát và dự phòng dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC) với ngân sách hàng chục tỷ đô la cũng đang nghiêng ngả, và chịu nhiều chỉ trích.
4 bí quyết chống dịch của Việt Nam
Vậy bí quyết gì giúp chúng ta, với khả năng kinh tế hạn chế, kỹ thuật công nghệ chưa thật tiên tiến, trình độ chuyên môn chưa thật sự xuất sắc, lại làm nên những kỳ tích như vậy?
Trước hết phải nói là chúng ta có một sự chỉ đạo thống nhất từ các cấp cao nhất của hệ thống chính trị. Ngay từ khi thành lập nước thì Bác Hồ đã nêu quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Sau này trong các văn kiện đại hội Đảng, cũng như các phương hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đều nhấn mạnh phương châm dự phòng là then chốt.
Chính với quan điểm đó mà trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhà nước đã phải vay vốn hàng trăm triệu đô la của các ngân hàng quốc tế để đầu tư hỗ trợ phát triển hệ thống dự phòng.
Việt Nam lấy y tế cơ sở làm nền tảng và có thể gọi la "chống dịch nhân dân".
Thứ hai, chúng ta có một triết lý về phòng chống dịch bệnh độc đáo. Hệ thống Y tế dự phòng chúng ta được thiết kế theo một kết cấu chặt chẽ, nhanh chóng, được kích hoạt và tiếp tục duy trì bền vững, chủ động tấn công.
Tuy chúng ta đã có hệ thống quản lý dịch bệnh qua mạng internet, thông tin địa lý GIS, nhưng trong các vụ dịch lớn hệ thống này vẫn vận dụng triết lý chiến tranh nhân dân của Việt Nam, lấy dân làm gốc, lấy y tế cơ sở làm nền tảng, và có thể gọi là "chống dịch nhân dân".
Hệ thống này có thể phát hiện và thông báo dịch bệnh không thua kém các hệ thống điện tử tối tân đắt tiền nào. Các ổ dịch xuất hiện là bị phát hiện ngay. Có người đi từ vùng dịch vể là y tế cơ sở tiếp cận và điều tra rồi thông báo cho tuyến trên ngay lập tức.
Một ví dụ điển hình là trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 133 đã điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai trở về Lai Châu. Bằng nghiệp vụ chuyên môn cũng như linh cảm nghề nghiệp nhạy bén, các cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã kịp thời phát hiện bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19, cảnh báo cho Bệnh viện Bạch Mai.
Nếu không có sự phát hiện nhanh chóng này thì có lẽ Bệnh viện Bạch Mai nay đã thành một đại ổ dịch, 5000 cán bộ nhân viên sẽ bị lây nhiễm và hàng ngàn bệnh nhân từ Bạch Mai sẽ tỏa đi các tỉnh tiếp tục âm thầm phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Rồi trong một thời gian ngắn, hàng ngàn bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh trong thời gian nghi ngờ có dịch đã và đang được tìm ra từng người, một nhờ hệ thống y tế dự phòng. Thật là một kỳ tích. Hy vọng, chúng ta sẽ thành công trong việc dập ổ dịch này ở Bệnh viện Bạch Mai.
Thứ ba, chúng ta có một đội ngũ cán bộ y tế dự phòng giàu kinh nghiệm chống dịch, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần trách nhiệm và tận tụy với nghề nghiêp. Các cán bộ y tế dự phòng nòng cốt được đào tạo tại các trường đại học y và đại học y tế công cộng rất có uy tín.
Tuy thu nhập, tiền lương của họ rất thấp so với các chuyên khoa khác, ngành nghề khác, suốt ngày phải đi công tác thực địa, lăn lộn với cộng đồng nhưng ít ai trong số họ bỏ nghề mà vẫn say mê với nghiệp mà mình đã chọn. Họ được rèn luyện qua nhiều trận dịch như nững người lính già đã kinh qua trận mạc không nao núng trước nguy hiểm và khó khăn.
Thứ tư, hệ y tế dự phòng của Việt Nam được nhân dân rất tin tưởng vì thông tin của ngành rất trung thực,minh bạch, không bao giờ giấu dịch với nhân dân. Chính vì vậy nhân dân tích cực giúp đỡ, phối hợp với cán bộ y tế để chống dịch Chính sự minh bạch trong chống dịch đó cũng tạo uy tín với quốc tế.
Đặc biệt Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam hiện nay đang là một điểm sáng, là một tấm gương cho nhiều nước noi theo.
Lại một lần nữa đại dịch thử thách hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam. Lửa đang thử vàng, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm chống dịch của cả nước, với triết lý "chống dịch nhân dân" của hệ thống y tế dự phòng giàu truyền thống chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này.