Nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ... hát karaoke, cách nào để phòng tránh?

BÌNH NGHI |

Hát karaoke là hình thức giải trí rất phổ biến. Việc ghé sát miệng khi hát karaoke không tránh khỏi nước bọt bắn vào micro. Có người lo ngại điều này có làm lây nhiễm bệnh đường hô hấp hay không, đặc biệt khi phòng karaoke lại kém thông khí?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho rằng hát karaoke là hình thức giải trí rất phổ biến. Tuy nhiên trong môi trường kín, kém thông khí như phòng karaoke thì rất dễ lây nhiễm bệnh đường hô hấp bằng cả hai đường hít thở và tiếp xúc.

Thực tế rất nhiều người thường ghé sát môi vào micro để độ khuếch đại của âm thanh phát ra rõ nét và hay hơn, tuy nhiên điều này không tránh khỏi nước bọt bắn rồi tích tụ lại trên bề mặt micro và lớp đệm bên trong.

"Micro có cấu hình bên ngoài là lưới, còn bên trong lại kín với nhiều linh kiện điện tử. Khi chúng ta hát thì giọt bắn sẽ bám vào bề mặt bên ngoài và bên trong của micro, lâu ngày làm phát triển một số bệnh lây nhiễm, nhất là bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, tay cầm của micro cũng là vật thể lây nhiễm", bác sĩ Minh phân tích.

Cũng theo bác sĩ Minh, khi chúng ta tống một lượng hơi lớn và mạnh thì với những vi rút có độc lực mạnh, dễ lây lan "đang trú" bên trong micro có thể phát tán ra môi trường bên ngoài rồi chúng ta hít phải. 

Tuy nhiên con đường lây nhiễm này chiếm tỉ lệ thấp, mà chủ yếu tiếp xúc môi trực tiếp vào micro.

Trong những năm gần đây, vi rút SARS-CoV-2 đã lây lan và gây bệnh toàn cầu. Vi rút SARS-CoV-2 có thể sống trong môi trường kim loại trong vòng 48 tiếng đồng hồ, còn ở môi trường không khí thì từ 10 phút đến vài tiếng, nên nếu chúng "có mặt" ở micro hay tồn tại trong môi trường kín như quán karaoke thì rất dễ lây lan.

Với những nguy cơ nêu trên, bác sĩ Minh khuyến cáo người sử dụng cũng cần biết được những "kỹ thuật" để hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ chiếc micro, dù tỉ lệ này rất ít.

Theo đó, "kỹ thuật" này là không nên ghé môi, chạm da mặt vào micro. Đồng thời, cần phải thay vỏ bọc micro sau mỗi vài lần sử dụng, có thể vỏ bọc này làm bằng xốp hoặc bằng vải mỏng để hạn chế nước bọt bắn vào micro rồi tích tụ ở bên trong micro, cũng như nên vệ sinh phần tay cầm của micro thường xuyên.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

theo Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên