Theo WHO, việc thiếu nhiên liệu ở khu vực đông dân cư đã khiến các nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (như tiêu chảy) khi người dân phải sử dụng nước bị ô nhiễm. Kể từ giữa tháng 10, hơn 33.550 trường hợp bị tiêu chảy đã được báo cáo, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Tổ chức này cho biết, số trẻ bị tiêu chảy đã tăng mạnh so với mức trung bình 2.000 trường hợp hàng tháng ở trẻ em trong khoảng thời gian 2021-2022.
Trường học tại Khan Yunis, Dải Gaza được sử dụng làm nơi trú ẩn cho người Palestine. Ảnh: ANADOLU
Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm gián đoạn việc thu gom chất thải rắn, điều mà WHO cho rằng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nhanh chóng và lan rộng của các loài côn trùng, gặm nhấm vốn có thể mang mầm bệnh và truyền bệnh.
WHO lưu ý các cơ sở y tế gần như không thể duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do chấn thương, phẫu thuật và sinh nở. Tổ chức này đồng thời cảnh báo sự gián đoạn trong công tác tiêm chủng định kỳ cũng như tình trạng thiếu thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh nhanh chóng.
Hệ thống y tế ở Gaza hiện đã bị quá tải do thiếu trầm trọng các điều kiện hạ tầng thiết yếu gồm điện, nước và nhân sự.