Người trẻ cũng lúc nhớ, lúc quên

Bài và ảnh: Hải Yến |

Suy giảm trí nhớ không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi. Nhiều người dù còn trẻ nhưng cũng lúc nhớ, lúc quên, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, lâu dài sẽ có nguy cơ sa sút trí tuệ hoặc tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm

Chị V.T.D (38 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau khi sinh con thứ 2, tình trạng hay quên của chị xảy ra thường xuyên hơn. "Tôi thường quên vật dụng cần thiết như áo khoác, chìa khóa, khẩu trang… Mỗi lần quên, tôi mất rất nhiều thời gian tìm kiếm hoặc nhớ lại xem mình đã cất chúng ở đâu" - chị D. than phiền.

Do nhiều nguyên nhân

Dù chưa lập gia đình nhưng chị T.H (28 tuổi, ngụ Bình Dương) cũng gặp tình trạng tương tự. H. cho biết với công việc kế toán, chị phải thường xuyên làm việc trên máy tính.

"Ngoài giờ làm ở công ty, tôi còn nhận việc về nhà làm thêm. Có thời điểm, tôi liên tục thức khuya để hoàn thành gấp công việc cũng vì lý do quên thời gian hoàn thành. Những lúc như vậy, tình trạng quên càng nhiều hơn khiến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày rất mệt mỏi" - chị H. lo lắng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết trung bình mỗi tháng, khoảng 50-100 người đến bệnh viện này khám các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Trong đó, người trẻ tuổi chiếm khoảng 1/3.

Người trẻ cũng lúc nhớ, lúc quên - Ảnh 1.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám cho người suy giảm trí nhớ

Theo bác sĩ Nga, hiện tỉ lệ người dưới 30 tuổi bị suy giảm trí nhớ lên đến 14%, tuổi trung niên (40-50 tuổi) chiếm 22% trong tổng số người đến khám bệnh. Trong khi đó, người cao tuổi chiếm khoảng 26%. Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ thường liên quan đến các yếu tố như căng thẳng, áp lực công việc, phải làm nhiều việc cùng lúc, rối loạn giấc ngủ, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, bóng cười... Suy giảm trí nhớ còn là biểu hiện của một số chứng tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu... Một số bệnh lý khác cũng gây giảm trí nhớ như suy tuyến giáp, thiếu máu, u não, máu tụ mạn tính trong não.

Bác sĩ Nga cho biết suy giảm trí nhớ ở người trẻ thường có các biểu hiện như: kém tập trung; lơ đãng trong công việc; tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường (nóng giận, hờn dỗi, muộn phiền); khó nhớ thông tin mới, dẫn đến hạn chế tiếp xúc hoặc lúng túng trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, đáng chú ý, hầu hết người suy giảm trí nhớ không thừa nhận mình mắc chứng này. Cho đến khi ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, được người thân động viên, họ mới tới bệnh viện khám.

Tập luyện cải thiện trí nhớ

Theo bác sĩ chuyên khoa II Thân Thị Minh Trung, Phó Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), bộ não ở người trưởng thành có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (còn gọi là nơron thần kinh). Các tế bào này có nhiệm vụ ghi nhớ và xử lý thông tin một cách nhanh chóng. Tế bào thần kinh trong não sẽ suy giảm dần khi chúng ta bước sang tuổi 20 và từ tuổi 25 trở đi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào biến mất.

Khi não bộ mất quá nhiều tế bào thần kinh sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trí nhớ ở người già. Bên cạnh đó, một số yếu tố khiến trí nhớ suy giảm như: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; dùng nhiều chất béo xấu (thức ăn nhanh); không bảo đảm chất lượng giấc ngủ, thiếu ngủ; lười vận động.

Bác sĩ Trung cho biết thực tế, không phải tất cả nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, tế bào não sẽ được bảo vệ, duy trì hoạt động tối ưu nếu chúng ta sớm thực hiện các phương pháp tốt cho não, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ mất nhận thức ở tuổi già.

Một số cách có thể giúp phòng ngừa suy giảm trí nhớ gồm: rèn luyện bộ não bằng cách tạo thói quen ghi chép các sự kiện quan trọng; thường xuyên hồi tưởng những sự việc đã xảy ra; học cách liên tưởng một số sự việc, sự vật mang tính tương đồng với nhau; tăng dần tốc độ phản xạ bằng cách suy nghĩ, nói và suy luận theo nguyên tắc nhất định để giúp não bộ phản ứng linh hoạt hơn.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc duy trì hoạt động rèn luyện trí não từ 15 phút/ngày với tần suất 5 lần/tuần giúp cải thiện trí nhớ hữu hiệu.

Bên cạnh đó, có thể tập thể dục để cải thiện trí nhớ và rèn luyện sức khỏe; ngồi thiền; ngủ đủ giấc (7-8 giờ/ngày); giảm tiêu thụ đường; tránh căng thẳng, stress; ăn sô-cô-la đen; không lệ thuộc vào thiết bị điện tử; học nhạc hay một ngôn ngữ mới; chơi trò trí tuệ (cờ vua, cờ tướng; lắp ráp lego; rubic…); tăng cường giao lưu với người xung quanh…

Cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn

Bác sĩ Thân Thị Minh Trung lưu ý nhiều người còn chủ quan, bỏ qua các biểu hiện của chứng suy giảm trí nhớ. Thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc phải tình trạng nhớ kém, thậm chí mất trí nhớ, ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Vì vậy, tìm cách cải thiện trí nhớ là việc làm cần thiết đối với mọi người.

Song song đó, tình trạng giảm trí nhớ là tiến trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn. Để chủ động phát hiện và làm chậm quá trình tiến triển của chứng này, mỗi người nên chủ động đi tầm soát giảm trí nhớ nhằm kịp thời phát hiện và điều trị. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ hoặc hội chứng Alzheimer.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại