Suýt phải cắt cụt tay vì 1 sai lầm khi lau nhà
Bác sĩ Từ Tòng Chính, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Lâm Khẩu, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, mới đây, khoa đã tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ trung niên đến khám trong tình trạng ngón tay giữa bên phải bị nhiễm trùng, mưng mủ nặng.
Người phụ nữ cho biết, bà từng được chẩn đoán mắc thoái hóa khớp, trên khớp ngón tay có một khối u bao hoạt dịch. 4 ngày trước khi đi khám ở viện, khi người phụ nữ đang lau sàn nhà, bà bỗng thấy khối u ở ngón tay bị vỡ, chảy dịch. Tuy nhiên, người phụ nữ cho rằng vết thương không nghiêm trọng nên đã tiếp tục dùng tay không giặt giẻ, lau nhà. Sau 2 ngày, phần đốt ngón tay giữa bên phải trở nên sưng tấy và đau nhức.
Thấy vết thương ở ngón giữa bắt đầu chảy mủ nên người phụ nữ đã mua thuốc khử trùng và thuốc giảm đau về để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sưng tấy không thuyên giảm. Đến ngày thứ 3, ngón tay giữa bị sưng đỏ giống một chiếc xúc xích nhỏ, ngón tay đau nhức dữ dội khi duỗi thẳng. Người phụ nữ đã đến phòng khám gần nhà để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sưng đỏ tiếp tục lan rộng ra giữa lòng bàn tay. Lúc này, người phụ nữ mới lo lắng và đến khám tại bệnh viện.
Kết quả thăm khám cho thấy, người phụ nữ bị viêm bao gân ở ngón tay do vỡ u nang bao hoạt dịch ngón tay gây nhiễm trùng.
Ngón tay của bệnh nhân bị sưng đỏ.
Bác sĩ Từ giải thích: “Bao gân có cấu trúc như màng bọc bên ngoài gân, có nhiệm vụ tiết hoạt dịch để hỗ trợ các hoạt động của gân, khớp diễn ra trơn tru hơn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm bao gân. Một trong số đó là tình trạng nhiễm trùng do vết thương hở ở ngón tay”.
“Với trường hợp kể trên, khi phát hiện ngón tay có vết thương hở, chảy dịch, bệnh nhân không tiến hành khử trùng ngay lập tức mà tiếp tục giặt khăn lau sàn bằng tay không. Điều này khiến các vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, gây nhiễm trùng và viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, ngón tay của bệnh nhân có thể bị mất chức năng vĩnh viễn, thậm chí bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt ngón tay do hoại tử”, bác sĩ Từ cảnh báo.
Theo bác sĩ Từ, viêm bao gân tiến triển nhanh chóng trong vòng từ 24 - 48 giờ sau khi bao gân bị nhiễm trùng. Khu vực nhiễm trùng sẽ bị sưng đỏ, đau dữ dội khi chạm vào hoặc khi duỗi thẳng ngón tay.
Bác sĩ Từ cho biết, bệnh nhân sau đó đã được điều trị bằng kháng sinh và phẫu thuật loại bỏ các mô bị hoại tử. Bệnh nhân bảo toàn được ngón tay nhưng ngón tay giữa bên phải bị mất chức năng và không thể gập lại được vì bao gân ở tay đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Phòng ngừa tình trạng viêm, nhiễm trùng
Thông qua trường hợp của bệnh nhân nữ kể trên, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thực hiện các lưu ý sau để hạn chế nguy cơ bị viêm, nhiễm trùng ở tay. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng thêm găng tay để hạn chế nguy cơ bị thương ở tay khi làm việc nhà
2. Khi bị thương ở tay, mọi người cần nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước, khử trùng và băng bó ngay lập tức để tránh nhiễm trùng.
3. Khi các vết thương hở xuất hiện dấu hiệu sưng đỏ, đau hoặc gây ảnh hưởng tới chức năng hoạt động, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng.