Zhuang Wulong - bác sĩ khoa rối loạn chuyển hoá (Đài Loan, Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ trường hợp một bệnh nhân khoảng 50 tuổi mắc và điều trị ung thư vú khoảng 10 năm. Thời gian gần đây, nữ bệnh nhân phát hiện khối u đã di căn khắp cơ thể.
Cùng với đó, trong quá tình xét nghiệm máu cũng cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu đường huyết tăng cao và được xác định mắc tiểu đường. Nữ bệnh nhân khi nhận được kết quả vô cùng ngạc nhiên hỏi: "Tại sao lại xảy ra chuyện này, tôi bình thường vẫn rất khoẻ mạnh."
Khám kỹ hơn, bệnh nhân phát hiện mình có tỷ lệ mỡ trong cơ thể khá cao dù đã kiểm soát chế độ ăn uống cũng như duy trì tổng lượng calo nạp vào và cân nặng. Sau khi điều tra thói quen ăn uống hàng ngày, bác sĩ Zhuang Wulong đã phát hiện ra một số sai sót trong khẩu phần ăn - đó chính là nạp nhiều carbohydrate.
Carbohydrate chính là thức ăn yêu thích của tế bào ung thư. Nếu hấp thụ quá nhiều sẽ khiến bệnh tình thêm trầm trọng cũng như phát triển thêm một số căn bệnh khác, đặc biệt là tiểu đường.
Với người mắc ung thư vú, khi hấp thụ nhiều carbohydrate thì yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 (IGF-1) - một loại hormone cùng với hormone tăng trưởng (GH) sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Cùng với đó, nó cũng ức chế quá trình tự hủy của tế bào ung thư, khiến ung thư lây lan nhanh hơn.
Người bệnh nên làm gì?
Bác sĩ Zhuang Wulong cho biết, khi gặp trường hợp này, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi hàm lượng thức ăn bằng việc tăng tỷ lệ protein, giảm carbohydrate và chất béo.
Cùng với đó, người bệnh cũng nên thường xuyên tập thể dục để tăng khối lượng cơ trong cơ thể cũng như theo dõi tỷ lệ cơ - mỡ. Dù trọng lượng cơ thể vẫn giữ nguyên nhưng nếu tỷ lệ cơ tăng - mỡ giảm cũng là biểu hiện tích cực. Việc này sẽ giúp bệnh nhân ung thư nâng cao tỷ lệ sống sót cũng như chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, não, tim, thận, cơ và xương của cơ thể con người đều cần lượng đường trong máu làm chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc luyện tập thể dục cũng tạo điều kiện cho những bộ phận này tăng cường khả năng chuyển hoá đường trong máu, điều chỉnh đường huyết, từ đó tránh xa tiểu đường.
3 thực phẩm nên tránh dùng vào bữa sáng
1. Đồ uống có đường
Nhiều người cho rằng việc bổ sung một ly đồ uống có đường vào bữa sáng có thể bổ sung năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên thực tế, lượng đường quá cao trong thực phẩm này không chỉ kích thích vị giác, gây nghiện nếu sử dụng trong thời gian dài mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cùng với đó, nhiều người cũng cho rằng việc uống một ly nước ép trái cây hay sinh tố vào buổi sáng rất tốt cho sức khoẻ nhưng trên thực tế, đường fructose trong trái cây nếu dùng quá nhiều sẽ dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ. Đặc biệt là các loại sinh tố có thêm đường hoặc sữa lắc trái cây sẽ phá hủy cellulose có trong các loại hoa quả. Chúng không chỉ làm tăng tốc độ hấp thụ đường mà còn khiến lượng đường trong máu thay đổi đột ngột, rút ngắn thời gian dự trữ glycogen của gan và tạo ra gánh nặng cho gan.
2. Đồ chiên rán
Nhiều người thích ăn các món chiên vào bữa sáng như bánh rán, gà rán, khoai tây chiên,… Tuy nhiên nếu ăn liên tục trong thời gian dài thì sẽ rất dễ nạp vào quá nhiều calo, tăng gánh nặng cho cơ thể, không chỉ gây béo phì mà còn tăng nguy cơ dẫn đến tiểu đường.
3. Bánh mì hoặc bánh ngọt
Đây là những thực phẩm phổ biến cho bữa sáng nhưng hầu hết chúng đều được làm từ bột mì trắng và đường, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành glucose. Sau giấc ngủ dài, lượng đường trong máu thấp, nếu cơ thể hấp thụ các loại tinh bột tinh luyện sẽ khiến glucose trong máu tăng mạnh. Từ đó kích thích tiết insulin khiến lượng đường trong máu thay đổi đột ngột, dễ hấp thụ nhiều tinh bột hơn bình thường vì luôn có cảm giác đói.
Đồng thời, khi tiêu thụ quá nhiều tinh bột và đường sẽ dẫn đến béo phì - đây là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gan cũng như đường huyết cao.
Có thể chọn bánh mì nguyên hạt, tuy mùi vị không thơm ngon bằng bánh mì trắng nhưng có tác dụng giảm tốc độ tiêu hóa và tránh tình trạng đường huyết thay đổi đột ngột. Ngoài ra, nên ăn thêm rau và trứng cùng bánh mì để hạn chế những tác động tiêu cực của việc thay đổi lượng đường trong máu.