Người đột quỵ nên đưa tới bệnh viện nào?

Trần Ngọc |

“Tại TP.HCM, trong nhà có người bị đột quỵ thì người thân gọi cho Trung tâm Cấp cứu 115. Tuy nhiên, không ít người thân thường yêu cầu nhân viên cấp cứu 115 đưa bệnh nhân tới bệnh viện (BV) này hoặc bệnh viện nọ do có mối quen biết”.

Sáng 22-12, bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, đưa ra thông tin trên tại hội thảo “Tiếp cận và xử trí đột quỵ trong cấp cứu ngoài BV”.

“Điều đáng nói hiện TP.HCM chỉ có 11 BV có đơn vị cấp cứu đột quỵ. Nếu người thân yêu cầu đưa tới BV không có đơn vị cấp cứu đột quỵ thì khả năng người bệnh được cứu sống rất thấp bởi thời gian kéo dài.

“Thời gian vàng” cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chỉ trong vòng bốn tiếng rưỡi” – BS Long nói.

Theo BS Long, thống kê 3.200 hồ sơ cấp cứu ngoài BV năm 2016 cho thấy 16% trường hợp liên quan đến đột quỵ.

“Điều này cho thấy đột quỵ đang và sẽ là một thách thức lớn cho ngành y tế. Do vậy, vai trò cấp cứu ngoài BV cho bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Càng rút ngắn thời gian trong từng khâu sẽ càng giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và xã hội” – BS Long nêu quan điểm.

Hiện nay, 11 BV ở TP.HCM có đơn vị cấp cứu đột quỵ bao gồm Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy, quận Thủ Đức, Nguyễn Tri Phương, Đại học Y dược, Thống Nhất, Trưng Vương, Xuyên Á, An Bình và Quân y 175.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại