Ảnh minh họa.
Vừa qua, các y bác sĩ Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) phối hợp với Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa – Chuyên gia trong lĩnh vực Ung bướu - đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư sàn miệng. Đây là ca mổ khó, kéo dài 8 tiếng, bệnh nhân phẫu thuật phải cắt bỏ 1/4 lưỡi và được tạo hình thành công bằng vạt da dưới cằm.
Ung thư sàn miệng có thể để lại những di chứng tàn khốc. Nó thường bắt đầu như một tổn thương dạng nốt hoặc loét nhỏ không triệu chứng, có thể bị bỏ qua. Do bản chất của nó là tổn thương không đau, thường nằm ở vị trí khuất, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn nặng, khi tổn thương trở nên đau đớn hoặc gây suy giảm chức năng.
Bệnh nhân trải qua phẫu thuật là bệnh nhân N.N.N (nam, 63 tuổi) với triệu chứng ban đầu là đau răng, qua thăm khám phát hiện u bướu dưới dạ lưỡi (sàn miệng). U bướu không đau, sau khoảng 1 tháng khối u tăng kích thước, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám lại, qua sinh thiết phát hiện ung thư sàn miệng.
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư sàn miệng. Ảnh minh họa.
Bệnh nhân là người có tiền sử hút thuốc, uống rượu nhiều liên tục và trong thời gian dài, bên cạnh đó là vệ sinh răng miệng kém. Qua đánh giá tình trạng sức khỏe, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật theo phương pháp cắt rộng bướu gồm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: cắt khu vực sàn miệng chứa bướu, cắt 1/4 lưỡi, cắt bờ xương sát bướu.
- Giai đoạn 2: nạo hạch cổ 2 bên.
- Giai đoạn 3: tạo hình lưỡi và sàn miệng bằng vạt da dưới cằm.
Sau ca mổ kéo dài 8 tiếng, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn, vết thương khô ráo, dự kiến xuất viện sau 1 tuần.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục xạ trị bổ túc giảm nguy cơ tái phát kèm chế độ dinh dưỡng hợp lý và điều trị các bệnh lý kèm theo.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư miệng
Theo BSCK II Nguyễn Thanh Thái, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, ung thư sàn miệng là một trong những loại ung thư hay gặp ở khoang miệng. Cơ chế gây ung thư khoang miệng (gồm lưỡi, lợi, niêm mạc má, sàn miệng, môi...) chưa rõ ràng, tuy nhiên theo thống kê của các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, 75% các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá bị động (hít phải khói thuốc), kế đó là các trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia.
"Ngoài ra những người hay ăn trầu, bị tổn thương mãn tính, người có tiền sử gia đình bị ung thư... cũng có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn những người khác. Đây là loại ung thư mắc nhiều hơn ở nam giới, tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn", BS Thái cho biết.
So với nhiều loại ung thư khác, ung thư miệng dễ chẩn đoán hơn và cho tiên lượng điều trị rất tốt ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi người bệnh hay nhầm lẫn là mắc nhiệt miệng hoặc loét miệng. Hầu hết bệnh nhân ung thư khoang miệng ở Việt Nam đều đến bệnh viện thăm khám khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị kém hiệu quả, các chuyên gia cho biết.
"Ở giai đoạn muộn, tổn thương trong miệng có thể lan rộng gây những cơn đau kéo dài, mất chức năng của miệng như ăn uống, nói chuyện, bị biến dạng khuôn mặt do phẫu thuật cắt u, thậm chí tử vong", BS Thái cảnh báo.
Ăn nhiều rau xanh cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư. Ảnh minh họa.
Phòng ngừa ung thư miệng
Để phòng ngừa ung thư miệng, mọi người cần áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư;
- Tăng cường ăn các loại rau và hoa quả giàu vitamin, đặc biệt là cà rốt;
- Với ung thư môi, để phòng ngừa, nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, nên dùng kem bảo vệ môi và kem chống nắng khi đi ra ngoài;
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần ở các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt.