Trần Luân, 38 tuổi, là lập trình viên ở Trung Quốc. Vì tính chất công việc, anh thường xuyên bận rộn và chịu nhiều áp lực. “Tôi hay phải tăng ca và tan làm rất muộn, mỗi lần về đến nhà, tắm rửa xong đều đã là một, hai giờ sáng”, Trần Luân chia sẻ.
Một ngày, sau khi Trần Luân về nhà và ngồi xuống, ngực anh bắt đầu thắt lại, tim như bị vật gì đó đập mạnh, kèm theo triệu chứng khó thở và khắp người đổ mồ hôi đầm đìa. Sau khi cấp cứu, Trần Luân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
Bác sĩ khẳng định anh rất may mắn khi được đưa đến bệnh viện kịp thời. Bác sĩ cũng phát hiện một trong 3 mạch máu của người đàn ông 38 tuổi bị tắc hoàn toàn, 2 mạch còn lại bị tắc 90% khiến máu trong toàn cơ thể không lưu thông được bình thường.
Sau hai lần can thiệp, Trần Luân đã được cứu sống. Nhưng bác sĩ cũng cho biết, cơ tim bị hoại tử là không thể phục hồi, tình trạng mạch máu của lập trình viên này không khác gì một ông lão 80 tuổi và nguy cơ đột tử trong tương lai cũng rất cao, vậy nên anh phải chú ý nhiều hơn.
Khi nghe kết luận của bác sĩ, Trần Luân thắc mắc: "Tôi còn trẻ, sức khỏe bình thường rất tốt, tại sao lại bị đau tim? Đây không phải là bệnh chỉ có người già sao?"
Bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa, không còn là “độc quyền” của người già
Nhồi máu cơ tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp tính là khi mạch vành bị tắc hoàn toàn, dòng máu lưu thông trong đó bị gián đoạn, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu cục bộ nghiêm trọng và dai dẳng, tim không được cung cấp đủ oxy, cuối cùng dẫn đến hoại tử cơ tim.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, từ năm 1990 đến 2019, trong số những người trẻ tuổi từ 25 - 44, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch đã tăng 36% và hầu hết trong số đó là nhồi máu cơ tim. Số người tử vong do nguyên nhân này cũng tăng nhanh.
Ảnh minh họa
Một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu từng thực hiện nghiên cứu về "Các yếu tố dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người già và người trẻ", kết quả cho thấy, nguyên nhân mắc bệnh nhồi máu cơ tim ở những người trên 45 tuổi phần lớn là liên quan đến các bệnh mạn tính, ví dụ như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá, bố mẹ có tiền sử nhồi máu cơ tim.
Còn với người dưới 45 tuổi bị nhồi máu cơ tim, nguyên nhân chủ yếu do lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, béo phì, lười vận động, áp lực lớn, thức khuya trong thời gian dài.
Muốn tránh xa nhồi máu cơ tim, 4 điều này tốt nhất nên bỏ
Nếu không muốn trở thành mục tiêu của nhồi máu cơ tim, tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc tránh xa 4 điều sau:
1. Hút thuốc lá: Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng hút trên 25 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp 8 lần so với người không hút thuốc và càng hút nhiều thì nguy cơ này càng cao. Hút thuốc thúc đẩy nhanh sự hình thành xơ vữa động mạch và huyết khối.
2. Thức khuya trong thời gian dài: Một nghiên cứu trên tạp chí American College of Cardiology cho thấy, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Ngủ từ 6 đến 9 tiếng mỗi đêm có thể làm giảm nguy cơ đau tim.
Ảnh minh họa
3. Quá căng thẳng: Tinh thần căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến adrenaline tăng nhanh, thiếu máu cục bộ sẽ xảy ra khi nhu cầu oxy của tim thấp hơn. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho thấy, căng thẳng tinh thần có thể gây nhồi máu cơ tim và đột tử.
4. Ăn quá nhiều: Ăn quá no sẽ dẫn đến máu lưu thông trong cơ thể chậm, tăng sức cản mạch máu, tăng tải cho tim, mặt khác sẽ dẫn đến tăng kết tập tiểu cầu, hình thành huyết khối trên động mạch vành, gây tắc nghẽn lòng mạch và gây nhồi máu cơ tim cấp tính. Vì vậy, tránh tình trạng “ăn nhanh, ăn nhiều”.
Trước khi phát sinh nhồi máu cơ tim, cơ thể sẽ có một số triệu chứng. Đầu tiên là triệu chứng điển hình nhất, đau ngực và đổ mồ hôi đầm đìa. Thứ hai là những cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân, chúng có thể đột ngột xuất hiện ngay cả khi tâm trạng ổn định hoặc đang ngủ, kèm theo cảm giác bồn chồn, sợ hãi.
Dấu hiệu thứ ba thường dễ bị xem nhẹ là chóng mặt và nôn mửa. Ngoài ba triệu chứng trên, còn có một số cơn đau không điển hình, chẳng hạn như đau họng, đau vai, đau răng, đau dạ dày, đau lưng hoặc đau quai hàm… cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch vành.
Theo Toutiao