Người đàn ông 37 tuổi đột quỵ khi đang làm việc: Bác sĩ chỉ đích danh 1 sai lầm 'chí mạng'

Ngọc Minh |

Khi đang làm việc tại Bắc Ninh, người đàn ông choáng váng đau đầu, sau đó được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đột quỵ khi đang làm việc

Khoa Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận người bệnh nam người nước ngoài (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đang công tác tại Việt Nam. Nam bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rối loạn ý thức, bại tứ chi, rối loạn nuốt và huyết áp cao không kiểm soát được. Tình trạng này đang đe dọa đến tính mạng và đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp.

Qua khai thác tiền sử người bệnh ở tuyến dưới, các bác sĩ được biệt bệnh nhân có tăng huyết áp nhưng không uống thuốc điều trị đều đặn.

Tại bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não vùng thân não do tăng huyết áp không kiểm soát.

Sau đó, nam bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi, bí tiểu, thở tụt lưỡi... Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết thân não do tăng huyết áp. Tổn thương ở thân não đã gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như hôn mê, liệt vận động và rối loạn chức năng thần kinh. Ngay lập tức, các bác sĩ tại Khoa Đột quỵ não đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị đa mô thức, hồi sức thần kinh tích cực.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến – Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - chia sẻ đây là vị trí chảy máu não nguy hiểm nhất ở não, vùng thân não có nhiều chức năng quan trọng như trung khu hô hấp, tuần hoàn, các dây thần kinh sọ..., khi bị chảy máu, nguy cơ tử vong và tàn phế rất cao.

Người đàn ông 37 tuổi đột quỵ khi đang làm việc: Bác sĩ chỉ đích danh 1 sai lầm 'chí mạng'- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến chụp ảnh cùng bệnh nhân (ảnh BSCC).

Đối với trường hợp nam bệnh nhân trên, bệnh nhân chảy máu đúng vùng thân não, kích thước khá lớn, thể trạng béo phì, nặng trên 80 kg, huyết áp cao khó kiểm soát. Bệnh nhân được kiểm soát huyết áp, cầm máu, thông khí cơ học, chống phù não, chống bội nhiễm... Sau 7 ngày hôn mê, ý thức bệnh nhân đã khá hơn, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, bỏ được máy thở, tự thở được.

Theo bác sĩ Tuyến, do tổn thương ở vùng thân não, bệnh nhân vẫn gặp phải một số di chứng như rối loạn nuốt, nấc cụt và khó khăn trong việc ăn uống. Để khắc phục những vấn đề này, Khoa Đột quỵ não đã phối hợp với Khoa Đông của bệnh viện áp dụng phương pháp hào châm và các biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ. Hào châm là một phương pháp trị liệu truyền thống của y học cổ truyền, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để kích thích các huyệt đạo và cải thiện chức năng cơ thể.

Lời nhắn nhủ của bác sĩ

Qua trường hợp đột quỵ của bệnh nhân khá trẻ tuổi, bác sĩ khuyến cáo cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Với người có tăng huyết áp cần phải uống thuốc để ổn định huyết áp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên trên mạch máu. Trái tim co bóp để bơm một lượng máu vào tim và di chuyển đi nuôi cơ thể. Lượng máu này tạo nên áp suất đè lên trên mạch máu mà chúng ta có thể đo được. Khi đo huyết áp, nếu thấy một trong hai trị số: huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được xem là tăng huyết áp. Mức huyết áp 140/90 mmHg được xem là mốc huyết áp mục tiêu.

Huyết áp cao nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại