Ảnh chụp cái siết tay của bố con anh L, ảnh NVCC.
LTS: "Cơn lốc" dịch bệnh đã càn quét qua Thành phố Hồ Chí Minh, biến nơi hoa lệ bậc nhất thành nơi chìm trong bóng đen mang tên Covid-19. Nơi đây, đã có những mất mát, hy sinh, người sống, người mất… và những nỗi đau khó có thể xóa nhoà.
Nhưng dù Covid-19 có khốc liệt tới đâu, nó cũng không quật ngã được ý chí của con người. Dịch bệnh có khủng khiếp bao nhiêu thì tình người, lòng ham sống, sự hồi sinh sẽ mãi là "bất diệt". Người TP HCM vẫn luôn tin họ sẽ chiến thắng được "kẻ thù" SARS-CoV-2.
Nỗi đau năm xưa tái hiện
Cicero, triết gia, nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã từng viết: "Trên Trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình". Và tôi càng thấy thấm thía câu nói này, khi được nghe một sự thật tới mức "khó tin" trong dịch bệnh Covid-19: cha muốn trở thành F0 để có thể vào viện chăm sóc cho con.
Đã từng chịu nỗi đau mất đi người con đầu khi cháu mới 8 tuổi, anh T.H.L (49 tuổi, tại TP HCM) thấu hiểu rõ nỗi đau chia lìa. "Con rất thông minh, nhanh nhẹn, đáng yêu vô cùng…!", anh L xúc động chia sẻ về người con không may mất sớm.
Con trai anh L không may mắn mắc phải căn bệnh ác tính về máu. Dù được chạy chữa, nhưng con đã rời xa vòng tay của cha mẹ mãi mãi.
Cho dù 4 năm đã trôi qua, nhưng khi nhớ về con, anh L vẫn thấy đau nhói. Vượt qua nỗi đau, anh dồn mọi tình yêu thương cho người con thứ 2, sinh năm 2016.
Anh luôn dặn lòng dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng sẽ không để con phải đối diện với bất cứ vấn đề về sức khỏe gì một mình. "Con là tất cả", anh L chia sẻ. Có thể vì lẽ đó mà cu cậu 5 tuổi bám bố vô cùng.
Anh L dành mọi tình yêu thương cho cậu con trai 5 tuổi.
"Cơn lốc" dịch bệnh ập tới thành phố Hồ Chí Minh đúng vào thời điểm chẳng ai ngờ tới. Ý thức được dịch bệnh lây nhiễm rất nguy hiểm nên gia đình anh L cũng đã cẩn thận, tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch. Anh lo sợ con virus nhỏ bé kia nếu "tấn công" vào gia đình có thể để lại hệ lụy.
Anh L và vợ cũng cố gắng tiêm vắc xin sớm để bảo vệ cho bản thân và mọi người. Nhưng con anh mới 5 tuổi, chưa có vắc xin tiêm nên anh càng lo sợ con có thể bị mắc…
Điều anh lo sợ nhất cũng đã đến. "Tối hôm trước con vẫn vui chơi với ba, mẹ và dì. Nhưng tới sáng dậy con đã sốt cao", anh L nói.
Linh cảm của người cha mách bảo có chuyện chẳng lành, anh thốt lên: "Thôi chết rồi! lẽ nào con đã mắc Covid-19...".
Anh nói với vợ đi test nhanh Covid-19 trước, con và anh sẽ đi xét nghiệm sau để đảm bảo giãn cách. Kết quả vợ và con có kết quả dương tính, anh kết quả âm tính.
Cầm kết quả con bị dương tính trên tay, anh L hoảng loạn thật sự. Một người đàn ông từng trải, vượt qua bao sóng gió của cuộc đời, ra Bắc và Nam lập nghiệp, đã bị đánh gục bởi một "tờ giấy" báo kết quả dương tính với SARS-CoV-2 của đứa con 5 tuổi.
Tôi ước mình có thể trở thành F0
Nỗi lo sợ về sự mất mát của 4 năm trước lại hiện ra trước mắt, người đàn ông cứng rắn đã rơi nước mắt. Con sốt cao, li bì. Anh nhấc máy, gọi xe đưa con tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Trong cơn nóng sốt do virus "hành hạ", cậu bé 5 tuổi vẫn còn thắc mắc: "Sao con phải vào viện, bố có đi cùng với con không?".
Anh kể: "Nghe con nói vậy cổ họng tôi như bị mắc nghẹn. Thằng bé bắt đầu vừa khóc vừa nói: "Bố đừng nói dối con... bố đừng lừa con. Bố bảo dù con ở đâu bố cũng luôn ở bên con mà…" Tôi hít một hơi thật sâu, xoa đầu con và nói: Con cứ đi trước cùng mẹ rồi bố sẽ vào viện sớm nhất với con".
Chiếc xe đi cứ khuất dần, anh L cứ lắng tai nghe cho tới khi tiếng khóc của con trai dần chìm vào khoảng không vô tận. Anh L đứng không vững, đầu anh xuất hiện nhiều suy nghĩ hỗn loạn, anh chắp tay cầu xin trời mong mình sớm trở thành F0 để được gặp con sớm.
Anh L muốn buông xuôi tất cả khi nghe "tin xấu" từ bác sĩ: phim chụp phổi của con mờ 1/3. Hai ngày sống trong hoảng sợ lo lắng cho con, nỗi sợ mất con thêm một lần nữa, người đàn ông trụ cột của gia đình đã bị đánh gục. Trong 2 ngày đó, anh liên tục gọi tới bệnh viện để theo dõi tin của con. Đầu dây bên kia là giọng ấm áp của y tá như đang hiểu nỗi lo của anh, tư vấn rất kỹ lưỡng, trả lời mọi thắc mắc.
Anh tiếp tục đi test nhanh một lần nữa và kết quả dương tính. Nhìn kết quả, anh không tin vào mắt mình, anh thốt lên: "Bố sắp được gặp con rồi"!
"Nhiều người sẽ cho rằng tôi "điên rồ" vì muốn trở thành F0. Nhưng với tôi, con là tất cả, nếu không có con, tôi sống cũng chẳng còn ý nghĩa. Trong hoàn cảnh này tôi cũng chỉ mong ở cạnh bên con. Nếu con có đau đớn tôi sẽ cùng cùng con vượt qua. Tôi ở nhà được an toàn, nhưng con tôi không còn, thì tôi cũng không thể sống tiếp…", anh L xúc động nói.
Anh L mỉm cười cầm kết quả dương tính trên tay, trở về nhà thu xếp đồ dùng để vào viện gặp con. Khi thấy bố, con trai anh đã rất vui vẻ, hoạt bát, chịu chơi hơn… khiến cho bác sĩ cũng ngạc nhiên.
Khi con sốt cao anh L đã rất lo lắng, ảnh minh hoạ.
"Cháu nói với tôi: Con gặp bố con vui lắm. Lúc đó, tự dưng tôi bật khóc và nói với con: Bố gặp con cũng vui lắm", anh L chia sẻ.
Ngày thứ 8, cả nhà 3 người điều trị trong bệnh viện vẫn tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch. Rất may mắn con trai anh L đã bình phục lên từng ngày, cháu hết sốt, mọi chỉ số oxy trong máu đã trở về mức bình thường, phổi của con đã tốt lên.
"Ngày thứ 10, vợ và con tôi được xét nghiệm nồng độ virus, kết quả của vợ và con tôi đủ điều kiện để được xuất viện. Tôi nói với con: "Con cứ về đi, mai bố sẽ về". Khi con về tôi tự dưng ngửi lại được mùi (trước đó tôi bị mất khứu giác). Ngày hôm sau, tôi được bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và đủ điều kiện được ra viện", anh L nói.
Anh L chia sẻ, cả nhà anh về đoàn tụ tại nhà nhưng vẫn duy trì liên lạc kết nối với bác sĩ qua zalo thường xuyên. "Khi trả qua đợt dịch này tôi mới thấy những người bác sĩ tuyến đầu chiến dịch vĩ đại như thế nào", anh L nói.
Tinh thần lạc quan là "liều thuốc" hiệu quả nhất để chiến thắng Covid-19
Đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất dịch bệnh, anh L nhận thấy rằng: "Lạc quan chính là liều thuốc quan trọng nhất để chiến thắng được virus SARS-CoV-2. Chúng ta luôn phải tìm ra được một điều gì đó để lạc quan và vượt qua dịch bệnh. Chiếu vào trường hợp của tôi, khi con ở trong viện với mẹ, cháu ủ rũ, mệt mỏi, ăn uống kém… khi bố vào viện cháu vui vẻ, bệnh cũng nhanh khỏi. Do vậy tôi nghĩ tinh thần đối với với bệnh nhân F0 là rất quan trọng".
Bên cạnh đó, mỗi F0 hãy luôn tin tưởng bản thân mình có thể vượt qua, tin vào ngành y và chính quyền…
Theo anh L trong thời gian dịch bệnh, sự động viên của người thân, bạn bè sẽ giúp cho bệnh nhân dễ dàng vượt qua và giảm tỷ lệ tử vong.
"Từ bản thân tôi thấy nếu hoảng loạn, mình sẽ không còn có được những suy nghĩ đúng đắn. Do vậy, dù tình huống nào, dù có là F0, dù có chuyển biến nặng cũng đừng sợ hãi", anh L chia sẻ.
Đi qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, anh L hiểu cuộc chiến Covid-19 sẽ vẫn còn kéo dài. Nếu được giúp sức cho mọi người, anh sẽ tình nguyện tham gia.
Anh L cũng chia sẻ thêm, hiện nay nhiều người chưa mắc bệnh cho nên vẫn còn tâm lý chủ quan. Mọi người cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu như không may trở thành F0. Mọi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định về virus, ý thức luôn phòng bệnh, chuẩn bị đồ dùng tối thiểu: khử khuẩn, khẩu trang, nước muối sinh lý, nước rửa mũi… , thực phẩm nâng cao sức khỏe (hoa quả, rau tươi), máy đo huyết áp, máy đo nồng độ oxy…
Anh L cũng tin tưởng rằng, cuộc chiến này sẽ còn nhiều khó khăn nhưng tất cả người dân thành phố cùng đồng lòng, có ý thức phòng chống dịch bệnh thì chắc chắn sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường mới.
Bài tiếp theo: Nỗi ám ảnh máy thở ngay cả khi đã khỏi bệnh về nhà