Với khả năng đó, nhân sâm được xếp là vị thuốc đứng đầu trong nhóm bổ khí và được dùng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Một câu hỏi từ lâu đã được đặt ra là: Vậy nhân sâm có được dùng cho những người mắc bệnh tăng huyết áp hay không ?
Có thể nói, đây là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và chưa thật sự đi đến thống nhất, ngay cả trong giới y học cổ truyền. Có người cho rằng không nên dùng vì có thể làm cho huyết áp tăng lên, có người thì lại quan niệm nhân sâm cũng có lợi cho căn bệnh này với khả năng điều hòa và ổn định huyết áp. Đó là chưa kể đến việc liều dùng, liệu trình dùng và dạng sâm sử dụng là sâm tươi, sâm khô hay sâm đã bào chế... Tuy nhiên, phần đông đều nhất trí rằng người bị tăng huyết áp vẫn có thể dùng nhân sâm nhưng với điều kiện phải sử dụng đúng cách. Tại sao lại như vậy?
Trước hết, nhân sâm có tác dụng dược lý hết sức phong phú như làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, chống mệt mỏi, nâng cao năng suất làm việc, giảm lo âu, chống trầm cảm; tăng tạo máu; bảo hộ tế bào gan và thận; cải thiện sức co bóp cơ tim và tăng cường lưu thông huyết mạch; làm giảm mỡ máu và đường huyết, phòng chống tích cực tình trạng vữa xơ động mạch; chống ôxy hóa và lão hóa; ức chế ngưng tập tiểu cầu; nâng cao năng lực hoạt động của trục tuyến yên - tuyến thượng thận, tuyến sinh dục; điều tiết công năng miễn dịch; kháng khuẩn tiêu viêm, chống ung thư và phóng xạ...
Các tác dụng này trực tiếp hoặc gián tiếp đều có lợi cho sức khỏe của người bệnh nói chung và người bị tăng huyết áp nói riêng, đặc biệt là khả năng tăng cường lưu thông huyết mạch, làm giảm mỡ máu, giảm đường máu, ức chế ngưng tập tiểu cầu và phòng chống tích cực tình trạng vữa xơ động mạch rất hữu ích cho việc điều hòa huyết áp và dự phòng tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây nên.
Người bị tăng huyết áp vẫn có thể dùng nhân sâm nhưng phải sử dụng đúng cách.
Thứ đến, nhân sâm cũng có tác dụng làm giảm huyết áp nếu được dùng đúng cách. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh điều này, ví như nghiên cứu của bác sĩ Yomamoto tại bệnh viện Nisse (Nhật Bản) được tiến hành trên 316 đối tượng, trong đó có 74 người tăng huyết áp, 35 người huyết áp thấp và 207 người huyết áp ổn định với việc cho dùng hồng sâm 3-6g/lần, 3 lần trong một ngày, dùng liên tục 2 tháng, kết quả cho thấy: người có huyết áp bình thường không bị ảnh hưởng, huyết áp giảm ở người bị huyết áp cao và huyết áp tăng ở người huyết áp thấp.
Điều này chứng tỏ hồng sâm có tính điều hòa huyết áp. Các nghiên cứu ở Hàn Quốc dùng liều hồng sâm 1,5-6g/lần, 2 lần trong một ngày, liên tục trong 3 tháng cũng cho kết quả làm giảm chỉ số huyết áp ở người huyết áp cao và làm tăng chỉ số huyết áp ở người huyết áp thấp. Nghiên cứu của nhiều nhà y học Trung Quốc cũng cho ra kết luận: nếu dùng nhân sâm đúng cách thì sẽ giúp làm giảm và ổn định huyết áp ở trên 50% người bệnh. Cụ thể sử dụng đúng cách là:
Nên dùng liều lượng vừa phải, không nên dùng liều quá cao.
Không nên dùng gần thời gian uống thuốc hạ áp vì có thể làm vô hiệu hóa tác dụng của thuốc này.
Trước khi dùng nên tập thể dục thể lực trong thời gian khoảng một tháng.
Nên ăn nhạt và uống thêm sữa đậu nành.
Không dùng khi đói để tránh tụt huyết áp.
Không dùng vào buổi tối để tránh rối loạn giấc ngủ.
Theo dõi huyết áp thường xuyên và tuân thủ nghiêm túc sự chỉ dẫn của các thầy thuốc có chuyên khoa.
Như vậy, người bị tăng huyết áp vẫn có thể sử dụng nhân sâm nhưng với điều kiện phải thực hiện đầy đủ các quy định và có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc. Đồng thời khi dùng người bệnh cũng phải thường xuyên theo dõi huyết áp, lắng nghe cơ thể mình để kịp thời điều chỉnh liều lượng và xử lý các tình huống không mong muốn.
Hiện nay, có nhiều loại nhân sâm khác nhau như sâm Triều Tiên, sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc, sâm Nhật Bản, sâm Mỹ... và ở Việt Nam có sâm Ngọc linh, một loại sâm được coi là tốt nhất và là “Quốc bảo” của người Việt.
Thêm nữa, các dạng nhân sâm cũng rất phong phú như sâm tươi, sâm khô, sâm tẩm mật ong, rượu sâm, cao sâm... Bởi vậy, việc tìm ra loại sâm nào có lợi nhất cho người bị tăng huyết áp vẫn còn là một vấn đề đặt ra cho các nhà y học nói chung và y học cổ truyền nói riêng.