Căn bệnh gây ám ảnh hơn cả ung thư
Mùa đông đến là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân bị bệnh vảy nến vì da khô, các lớp bong tróc sẽ phát triển nhiều hơn. Vảy nến là một bệnh hệ thống, mãn tính và cho tới nay chưa có phương thuốc nào chữa khỏi hẳn được.
Tại buổi gặp mặt của các bệnh nhân vảy nến miền Bắc tại Hà Nội - câu lạc bộ của những bệnh nhân "không biên giới" đều có chung tiếng nói đó là chia sẻ và cùng nhau vượt qua bệnh tật.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn H., trú tại Nguyễn Công Trứ, Hà Nội đau xót khi cánh tay ông chằng chịt những vết do vảy nến tấn công. Ông H. kể ông bị bệnh này từ ngày học lớp 6, lớp 7. Ngày xưa, ông không biết bệnh đó là bệnh gì, chỉ thấy da cứ tróc, nhất là về mùa đông da tróc đau lăn lê, bò toài ra nhà không đi nổi. Nhà thì phủ trắng vảy da đến ghê người.
Ông H chia sẻ về bệnh vảy nến của mình
Hàng xóm, bạn bè tránh xa vì ai cũng bảo ông bị sida. Rất nhiều lần ông mong giá mắc phải một căn bệnh ông sẽ chọn bệnh ung thư có lẽ tốt hơn vì bệnh đó chẳng bị kỳ thị, lại nhận được chia sẻ từ mọi người. Còn với bệnh của ông thời gian đầu ngay cả người nhà cũng sợ.
Ông H. kể, ngày xưa người trong nhà tưởng bệnh của ông lây nên ai cũng né, thậm chí các vật dụng trong nhà cũng dùng riêng vì sợ lây. Sau này bác sĩ bảo không lây người nhà mới tin nhưng vẫn không có sự gần gũi vì ám ảnh từng mảng da tróc.
Ông tâm sự nếu đợt bệnh bùng phát thì vảy da trắng cả phòng. Ông lấy chổi quét vào cả nắm tay, có lúc chính ông còn cảm thấy ghê dù đó chính là da mình tróc ra.
Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thu H. (Hà Nội) đã bị bệnh 16 năm. Cái khổ nhất khi bị bệnh là bà bị mọi người xa lánh. Có lúc phải vào viện cấp cứu chính bản thân người bệnh cùng phòng cũng sợ và không muốn ở chung phòng bệnh với bà.
Chính điều đó khiến các bệnh nhân vảy nến luôn tự ti, thậm chí có lúc họ nghĩ quẩn thà mắc ung thư, HIV cũng đỡ khổ hơn như này.
Bệnh không đe dọa tính mạng nhưng cần sự chia sẻ
Hiện nay, Bệnh viện Da liễu trung ương đang quản lý hơn 2.000 bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Các bệnh nhân cảm thấy rất khổ sở vì bị kỳ thị. Bác sĩ cũng luôn nhấn mạnh không thể chữa khỏi mà người bệnh sẽ phải sống chung với nó.
Ai may mắn kiểm soát bệnh tốt thì ít bị bùng phát. Có người không may mắn, bệnh bùng phát liên miên, bị kỳ thị, người thân xa lánh họ lại càng có tâm lý suy nghĩ, stress và vòng luẩn quẩn bệnh cứ nặng lên.
Theo PGS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương bệnh nhân, biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh là có chòm da bị đỏ, bong vảy, giới hạn rõ so với các vùng da khác. Bệnh có thể dễ nhầm với một số bệnh khác như viêm da tiết bã nhờn, vẩy phấn hồng,...
Bệnh thường không đe dọa tính mạng nhưng nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, khiến họ tự ti, ngượng ngùng.
PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương
Bệnh vẩy nến có hai thể: bị bẩm sinh khi vừa sinh ra đã bị và trường hợp phát sinh bệnh khi đã 30 - 40 tuổi, thậm chí có người trên 50 tuổi mới biểu hiện bệnh. Việt Nam trong đó có khoảng 2,5 triệu người Việt Nam (khoảng 3% dân số cả nước) mắc căn bệnh này. Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da gây nứt và chảy máu.
Những người mắc bệnh này thường có cảm xúc bối rối, xấu hổ và thường là che dấu làn da của mình để tránh dị nghị của những người xung quanh.
Bệnh vảy nến còn bị nhầm lẫn sang các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh phong, bệnh giang mai và thậm chí cả HIV/AIDS, họ bị xa lánh, có người mất cả việc làm, bị chồng mình bỏ… Chính vì thế nhiều bệnh nhân vảy nến có thể dẫn đến trầm cảm, thất vọng và nghiện ngập…
Có tới 42% bệnh nhân có biến chứng viêm khớp vảy nến. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân vảy nến cũng được ghi nhận mắc các rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch…
Theo ông Trần Hồng Trường - một bệnh nhân bị bệnh vảy nến 28 năm, kinh nghiệm của ông đó là sống lạc quan bởi mỗi lần stress là nguy cơ bệnh tái phát rất cao. Ông Trường chỉ mong cộng đồng xã hội, nhất là người thân hãy bỏ kỳ thị để người bệnh có thể yên tâm sống chung với bệnh.
Ông Trường cho biết người bệnh tuyệt đối không chữa bằng các phương pháp như thuốc đông y, bôi thuốc này, đắp thuốc khác vì có những bệnh nhân suy thận, bệnh bùng phát nặng hơn chỉ vì tin vào quảng cáo chữa được bệnh.