Những kiểu chữa bệnh... độc đáo
Nhiều người bệnh còn nhớ "cậu Phú" tên đầy đủ là Phạm Thị Phú (SN 1972, ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên) chữa bách bệnh bằng nước lã. Bệnh gì “cậu Phú có chung một bài thuốc dội nước lã lên lưng, bụng, đầu mặt; sau đó đứng lên lưng bệnh nhân, lấy chân day bụng, day mặt cho người bệnh.
"Cậu Phú" nổ, với cách chữa này bệnh gì cũng khỏi, thậm chí cả ung thư. Cách chữa bệnh của "cậu Phú" không có cơ sở khoa học nhưng một thời người bệnh từ khắp nơi đổ về xin "cậu" chữa bệnh. Theo “cậu”, bài thuốc chữa bệnh ở đây là đông y và cúng vái.
Cần vạch mặt lang băm
Ông Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội đông y Hà Nội cho biết: Hiện có nhiều ông lang tự xưng là gia truyền , quảng cáo quá khả năng, nhưng đến thời điểm này chưa một thầy lang cũng như bài thuốc nào có khả năng chữa khỏi bệnh nan y, đặc biệt là ung thư.
"Đã từng có thầy thuốc đề xuất lên cơ quan y tế về việc có bài thuốc chữa ung thư, nhưng khi được đề nghị chữa bệnh nhân thực thì không chữa được. Hiện nay, những ông lang khẳng định chữa được bệnh ung thư là bị hoang tưởng về khả năng của mình hoặc là lừa bịp”, ông Nguyễn Hồng Siêm khẳng định.
Ông Siêm cho biết, hiện người dân đang tin tưởng và có xu hướng chữa trị bệnh bằng y học cổ truyền nhưng các vị thuốc phải được sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp người dân chưa trang bị được kiến thức về đông y thì không nên “tự ý bốc thuốc cho mình”. Đồng thời, người bệnh nên tìm đến những thầy thuốc, cơ sở bán thuốc đông y uy tín để khám và cắt thuốc.
Trong y văn, đông y cũng có bài thuốc chữa u bướu. Ung thư cũng là loại u bướu, nhưng u ác tính thì chưa có bài thuốc chữa. Tuy nhiên, đông y có lợi thế lớn trong việc nâng cao thể trạng người bệnh, hỗ trợ điều trị ung thư.
Thực chất, các bài thuốc các thầy lang quảng cáo chữa ung thư là các bài thuốc chữa u bướu, kết hợp các thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thậm chí, một số ông lang còn kê thêm các loại dịch truyền của tây y, đây đều là các loại thuốc bổ và thải độc.
Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) từng lo lắng: Một số đối tượng tự ý quảng cáo các phương thuốc chữa bệnh gia truyền mà chưa được cơ quan y tế cấp phép, không có cơ sở khoa học, đây là hành vi vi phạm Luật Khám chữa bệnh và bị xử lý theo quy định. Người dân không nên tin tưởng mà “tiền mất tật mang”.
Theo Ths Khoa, người dân tin vào những bài thuốc dân gian "thầy lang" chưa được kiểm chứng dẫn đến việc chậm điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Hiện tình trạng người hành nghề lương y không phép rất nhiều, như một “ma trận”, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát để lập lại trật tự, hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo quy định, thẻ hội viên không thay thế được chứng chỉ hành nghề, cơ sở được phép hành nghề phải có biển hiệu, trên đó ghi rõ số giấy phép hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp….
Để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua mạng internet hoặc truyền miệng, thầy lang, ngành y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học.