Chế độ ăn uống tốt nhất để tránh sỏi thận tùy thuộc vào loại sỏi mà người bệnh mắc phải vì mỗi loại sỏi lại có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Có 4 loại sỏi thận chính, nhưng phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat.
1. Nguyên tắc dinh dưỡng với người bị sỏi thận
Người bệnh mắc sỏi thận thường có chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, uống ít nước… Vì vậy, cải thiện chế độ ăn giúp làm chậm quá trình hình thành sỏi .
Chú ý cân bằng dinh dưỡng, không để người bệnh bị suy nhược cơ thể vì như vậy sẽ dẫn tới suy giảm sức đề kháng, làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều protein, mỗi ngày người bệnh sỏi thận chỉ nên tiếp nhận lượng protein là khoảng 200g.
Giảm lượng muối trong chế độ ăn, nồng độ muối cao hơn trong nước tiểu thúc đẩy quá trình hình thành sỏi. Lượng muối cần thiết cho người bệnh là khoảng 3g muối/ngày.
Uống nhiều nước mỗi ngày.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin.
2. Người bị sỏi thận nên ăn gì?
2.1 Tiếp tục ăn thực phẩm giàu canxi
Những người bị sỏi thận, đặc biệt là sỏi canxi oxalat thường cho rằng chế độ ăn của mình phải hạn chế, thậm chí là hoàn toàn không sử dụng sữa và những thực phẩm chứa nhiều canxi. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm trong điều trị sỏi thận...
Bởi lẽ, nếu kiêng hoàn toàn canxi sẽ gây mất cân bằng trong cơ thể, gây nguy cơ loãng xương, đồng thời khiến cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn, gia tăng khả năng tạo sỏi thận. Vì vậy, người bị sỏi thận vẫn nên đưa các thực phẩm bổ sung lượng canxi cần thiết, có trong phô mai, các loại hạt, sữa chua, trứng, các loại hải sản có vỏ…
Cố gắng đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể thông qua thực phẩm. Chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết và theo sự chỉ định của bác sĩ.
Chế độ ăn giữ vai trò quan trọng đối với người bệnh bị sỏi thận trong việc quyết định hiệu quả điều trị. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh, tránh để sỏi thận kéo dài và tái đi tái lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như giảm chất lượng sống.
2.2 Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin
Các loại vitamin A, D, B6… là những vitamin tốt cho sức khỏe của người bệnh sỏi thận. Vitamin A giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu. Khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin A sẽ giảm bớt sự lắng đọng khoáng chất có trong nước tiểu, hạn chế việc hình thành sỏi thận.
Các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, cà chua, khoai lang, bông cải xanh…
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ và chuyển hóa canxi tốt hơn. Thực phẩm có chứa nhiều vitamin D là lòng đỏ trứng gà, sữa, cá biển…
Vitamin B6 giúp giảm khả năng hình thành oxalat, nguyên nhân gây nên sự hình thành sỏi. Tuy nhiên, đây là loại vitamin cơ thể không tự sản xuất được mà cần được bổ sung từ các loại thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
Những thực phẩm có nguồn vitamin B6 dồi dào là các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu (đậu đỏ, đậu phộng, đậu nành), bông cải, cà rốt và các loại cá…
2.3 Thực phẩm chứa nhiều chất xơ
Chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là hệ bài tiết. Vì vậy, bổ sung lượng chất xơ đầy đủ sẽ giúp cơ thể hạn chế sự phát triển sỏi. Người bệnh sỏi thận nên ăn một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau cần tây, bắp cải, bông cải xanh, khoai lang…
2.4 Các loại trái cây tốt cho người bệnh sỏi thận
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những trái cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi… chứa nhiều vitamin C có thể giảm khả năng hình thành oxalat, đồng thời cũng làm giảm lượng cholesterol chuyển hóa thành axit có trong dịch mật (thành phần chủ yếu gây ra sỏi).
Người bệnh sỏi thận nên sử dụng một số loại nước trái cây sau:
Nước chanh: Có chứa chất citrate sẽ giúp hòa tan sỏi thận
Nước ép nho: Thành phần có chứa chất chống ôxy hóa, giúp đào thải độc tố
Trà gừng: Là chất kháng khuẩn, chống viêm rất tốt
Trà húng quế: Có chứa axit axetic hỗ trợ phá hủy sỏi thận
Trà lựu: Giúp giảm hàm lượng axit có trong nước tiểu, hỗ trợ thải độc
2.5 Người bệnh sỏi thận nên uống nhiều nước mỗi ngày
Uống nhiều nước sẽ kích thích người bệnh đi tiểu nhiều hơn, làm hạn chế khả năng hình thành và tái phát sỏi. Người bệnh sỏi thận nên uống khoảng 3 lít nước/ngày. Lượng nước cung cấp cho cơ thể không chỉ có nước lọc mà kể cả nước hoa quả, hay nước canh, nước súp trong bữa ăn. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt là dấu hiệu người bệnh uống đủ lượng nước cần thiết.
PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nhiều người Việt Nam rất lười uống nước, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận; hay chế độ ăn giàu đạm đến từ các loại thịt đỏ. Hay thói quen dùng trà, cà phê... cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận tiết niệu.
3. Người bị sỏi thận cần kiêng ăn gì?
- Chất đạm: Khi ăn và cơ thể hấp thụ quá nhiều đạm sẽ làm gia tăng lượng axit, canxi và phốt pho có trong nước tiểu. Vì thế, người bệnh sỏi thận cần hạn chế các thực phẩm giàu đạm và tuân thủ ở mức khoảng 200g protein mỗi ngày.
- Thực phẩm chứa nhiều kali: Lượng kali trong máu tăng cao sẽ gây nên áp lực lớn cho thận và có thể dẫn tới việc hình thành sỏi và ngăn ngừa đào thải sỏi ra ngoài cơ thể. Người bệnh sỏi thận nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều kali như khoai tây, chuối, bơ…
- Thực phẩm giàu oxalat: Oxalat thường được hấp thụ qua chế độ ăn, phổ biến nhất là ở rau xanh và các loại đậu.
Những thực phẩm giàu oxalat người bệnh sỏi thận cần lưu ý là rau bina, mướp đắng, rau muống, kiwi, nho, việt quất, các loại hạt...
- Muối: Mỗi ngày người bệnh sỏi chỉ được ăn tối đa 3g muối và nên ăn càng nhạt càng tốt. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp vì các loại thực phẩm này có chứa rất nhiều muối.
- Đường và các loại đồ ăn ngọt.
- Thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các loại đồ uống có ga, nước ngọt,..
- Kiêng tuyệt đối các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, trà, cà phê…