Thông tư 22-2024 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Như vậy, chỉ ít ngày nữa, một số trường hợp người bệnh sẽ được hoàn tiền thuốc, thiết bị y tế nếu bệnh viện không có thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT, người bệnh phải mua ngoài.
Theo hướng dẫn này, việc hoàn tiền thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT chỉ áp dụng đối với danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế đã ban hành. Hiện danh mục thuốc hiếm đang được Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung. Còn đối với các thiết bị y tế, chỉ bao gồm thết bị y tế nhóm C, D theo phân loại rủi ro của thiết bị.
Trang thiết bị y tế thuộc loại C, D bao gồm các trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao và rủi ro cao. Chẳng hạn: Máy thở, thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI), thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CT); thiết bị cấy ghép nội tạng, máy lọc máu, thiết bị hỗ trợ tim mạch (ECMO)...
Quỹ BHYT sẽ không thanh toán tự chi phí trực tiếp cho những vật tư y tế mà dễ dàng mua sắm sử dụng như: Bông, băng, cồn, gạc...
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện, khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc hiếm được BHYT chi trả.
Trong khi đó, tại nhiều cơ sở y tế, tình trạng thiếu các vật tư thông thường (không thuộc nhóm C, D) xảy ra khá phổ biến.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết thông tư này chỉ để giải quyết tình huống, trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và không ai mong muốn phải áp dụng, nhưng phải ban hành để có cơ sở pháp lý xử trí khi xảy ra các tình huống này nhằm phần nào đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
"Chẳng hạn khi bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối thiếu thuốc, vật tư y tế (do yếu tố khách quan, không thực hiện mua sắm được), bệnh viện tuyến cuối khác có thể hỗ trợ điều chuyển và giá thanh toán là giá của bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh viện tuyến cuối. Bệnh viện có thuốc, vật tư điều chuyển sẽ tổng hợp hồ sơ thanh toán cho cơ quan BHXH bằng giá đấu thầu mua sắm"- bà Trang giải thích.
Đại diện Bộ Y tế cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề mà thông tư 22 chưa bao quát hết.
Để hạn chế phiền hà cho người bệnh, Bộ Y tế đang đề xuất thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, sau đó bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH nhằm giảm thủ tục cho người bệnh.
Thời gian qua, Bộ Y tế thừa nhận vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số bệnh viện. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế BHYT, nếu không người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, báo chí từng phản ánh về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Tại Bệnh viện Việt Đức, có trường hợp người bệnh lên bàn mổ rồi phải hoãn mổ vì thiếu vật tư rồi phải chờ gần nửa năm mới được xếp lịch mổ lại. Nhiều bệnh nhân không thể chờ đợi đã phải chuyển viện.
Do thiếu vật tư, nhiều người bệnh phải tự mua những bông, băng, gạc, kim tiêm, thuốc giảm đau... khi phẫu thuật, điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện có liên quan đến những phản ánh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế báo cáo vấn đề này để xem xét, giải quyết.