Ngực có cảm giác đè nặng, dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Khánh Ngọc |

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý có thể gây đột quỵ và tử vong nhanh chóng, đặc biệt nó đang gia tăng ở những người trẻ.


Đến 19 giờ cùng ngày bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tư nhân ở Phú Thọ để cấp cứu. Qua thăm khám sơ bộ các bác sỹ nhận định nhiều khả năng bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim/ tăng huyết áp.

Trường hợp của ông Phạm Đặng M. 65 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc chậm, đau nhẹ ngực trái, huyết áp 160/100, nhịp thở 22 lít/phút, SpO2 96%.

Người nhà bệnh nhân cho biết: Cùng ngày vào viện khoảng 3 giờ sáng bệnh nhân xuất hiện đau ngực trái, đau lan xuống cánh tay phải, đau kéo dài khoảng 1 giờ, kèm theo khó thở, không dùng thuốc gì cơn đau tự hết. Đến 15 giờ cùng ngày bệnh nhân xuất hiện cơn đau tương tự.

Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm bệnh nhân tiếp tục xuất hiện cơn đau thắt ngực, co cứng toàn thân, tím tái vùng ngực bụng , mặt và gần như ngay lập tức bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn, SpO2 tụt và đi vào hôn mê.

Xác định bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu và có thể tử vong, cùng với việc phát động báo động đỏ, báo cáo lãnh đạo viện, huy động các đơn vị hồi sức cấp cứu, tim mạch hỗ trợ, kíp trực đã tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện, đặt nội khí quản, sử dụng các loại thuốc vận mạch.

Sau hơn 20 phút cấp cứu tích cực bệnh nhân vẫn trong trạng thái hôn mê nhưng đã có mạch trở lại, tuy nhiên người bệnh tiếp tục đi vào hôn mê sâu phải thở hoàn toàn theo máy, tim đập rất yếu mặc dù phải sử dụng đến 3 loại thuốc trợ tim, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy, sử dụng thuốc chống đông máu và duy trì thuốc trợ tim.

Căn cứ kết quả cận lâm sàng đã thực hiện, lúc này các bác sỹ đã có đủ bằng chứng để xác định bệnh nhân ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp.

Bệnh nhân đã được kíp cấp cứu ngoại viện thuộc trung tâm cấp cứu 115 của bệnh viện vận chuyển an toàn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Trên cơ sở các kết quả cận lâm sàng của bệnh viện đa khoa Hùng Vương và thăm khám trực tiếp trên người bệnh, ngay trong đêm bệnh nhân được các bác sỹ thuộc trung tâm tim mạch bệnh viện tỉnh Phú Thọ tiến hành nong động mạch và mở thông động mạch vành ở vị trí tắc, khôi phục dòng chảy bình thường và điều kỳ diệu đã đến.

Sau can thiệp, điện tim của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, nhịp tim bệnh nhân trở về nhịp xoang bình thường, tần số tim và huyết áp ổn định.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một phần của cơ tim, do thiếu máu cục bộ bởi tắc hoặc hẹp một hay nhiều nhánh của động mạch vành nuôi dưỡng vùng đó.

Sự tắc nghẽn mạch máu này khiến việc nuôi dưỡng tế bào cơ tim bị giảm sút trầm trọng có thể dẫn đến chết tế bào cơ tim. Những tế bào cơ tim bị chết này không tham gia được việc dẫn truyền điện tim và co bóp của cơ tim, có thể dẫn đến tim ngừng đập.

Biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp:

• Đột nhiên cảm giác ngực bị đè nặng, tức ngực hoặc đau thắt ở giữa ngực (sau xương ức hoặc vùng tim).

• Người bệnh thấy khó chịu hoặc đau lan rộng lên vai, cổ, xương hàm, răng, một hoặc cả hai cánh tay, hoặc đôi khi lan xuống vùng bụng trên rốn

• Khó thở nhanh, nông

• Chóng mặt, ngất xỉu

• Vã mồ hôi

• Buồn nôn

Mỗi cơn đau tim thông thường sẽ gây ra triệu chứng đau ngực trong hơn 15 phút, nhưng triệu chứng này không phải luôn xuất hiện. Cần chú ý những triệu chứng khác nữa cũng có thể xảy ra, ví dụ như chứng khó tiêu hoặc đau cổ, ngực dai dẳng mà không giảm khi dùng thuốc.

Tuổi càng cao thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim càng tăng. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần phụ nữ khi ở độ tuổi 50 và con số này giảm dần về sau, đến độ tuổi 75 thì tần suất mắc bệnh của hai giới là như nhau. Những người hút thuốc lá, stress có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại