Nếu người mắc chứng bệnh này đang lái xe hoặc làm việc ở trên cao thì rất dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, người bệnh cần được điều trị và hạn chế các tình huống gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Ngủ nhiều - một rối loạn liên quan mật thiết với ngủ lịm
Để hiểu về ngủ lịm, chúng ta cần phải hiểu về ngủ nhiều. Đây là hai rối loạn giấc ngủ có liên quan chặt chẽ với nhau.
Ngủ nhiều là số lượng ngủ quá nhiều, ngủ suốt ngày. Bệnh nhân ở tuổi trưởng thành, được coi là ngủ nhiều nếu họ ngủ trên 10 giờ mỗi ngày. Thuật ngữ ngủ quá nhiều để chỉ các bệnh nhân than phiền ngủ suốt ngày, đôi khi họ đột ngột ngủ trong khi đi.
Mặc dù đã cố gắng, nhưng họ không làm sao thức được. Thuật ngữ này không được dùng cho người ngủ do quá mệt mỏi. Tuy nhiên, sự phân biệt này không được rõ ràng. Ngủ nhiều là bệnh ít gặp hơn (chiếm 5% người lớn) so với mất ngủ, nhưng không phải là hiếm trong lâm sàng.
Nguyên nhân hàng đầu gây ngủ nhiều là ngủ lịm, tiếp theo là tình trạng nghiện ma túy hoặc thuốc. Bệnh cơ thể phổ biến nhất gây ra ngủ nhiều là ngủ ngáy. Tình trạng ngủ nhiều thường chỉ thoáng qua.
Chúng được bệnh nhân nhận biết rõ ràng bởi dấu hiệu khó giữ được tình trạng thức giấc. Bệnh nhân thường nằm trên giường lâu hơn bình thường hoặc sau khi thức dậy thì lại lên giường để ngủ tiếp suốt ngày hôm đó.
Thật ra, ngủ nhiều ít gây đảo lộn cuộc sống, khó chịu cho bệnh nhân hơn so với mất ngủ. Bệnh nhân thường mô tả rằng mình đột nhiên rơi vào trạng thái buồn ngủ mà không thể cưỡng lại được. Đôi khi, bệnh nhân rơi vào giấc ngủ do cảm thấy mệt mỏi và rất khó thức dậy vào buổi sáng hôm sau.
Bệnh ngủ lịm có chữa được không?
Ngủ lịm là bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ mà không thể cưỡng lại được, họ ngủ quá nhiều. Ngủ lịm không phải là hiếm, chiếm tỷ lệ 0,02 - 0,16% ở người lớn và có tính chất gia đình.
Ngủ lịm không phải là một dạng của động kinh hoặc một bệnh tâm thần khác. Bệnh ngủ lịm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở tuổi vị thành niên và thanh niên. Bệnh tiến triển chậm và kéo dài suốt đời.
Chứng ngủ lịm gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng của ngủ lịm
Ngủ lịm được đặc trưng bởi ngủ quá nhiều và có các triệu chứng phụ như biểu hiện của giấc ngủ REM (có vận động nhãn cầu nhanh) trong lúc thức. Bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ mà không thể cưỡng lại. Giấc ngủ kéo dài 10-20 phút, sau đó bệnh nhân tỉnh giấc và cảm thấy thoải mái. Giấc ngủ lịm có thể xảy ra bất cứ lúc nào (khi ăn, khi nói, khi lái xe...).
Ngủ lịm có các triệu chứng của giấc ngủ REM như ảo giác trong lúc dở thức, dở ngủ, thất điều (sự mất thăng bằng tư thế khi bệnh nhân đứng thẳng, chuyển động đầu và thân mình), liệt trong giấc ngủ.
Giấc ngủ REM xuất hiện khoảng 10 phút sau khi bắt đầu ngủ được coi là bằng chứng cho ngủ lịm. Bệnh có thể gây nguy hiểm trong khi lái xe hoặc làm việc với máy móc vì dễ gây tai nạn.
Trong ngủ lịm, triệu chứng phổ biến nhất là có cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại, bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ. Triệu chứng mất trương lực cơ rất phổ biến, gây ngã khi đứng.
Trương lực cơ của bệnh nhân mất đột ngột khiến hàm trễ xuống, đầu gục xuống, gối khụy, liệt tất cả các cơ xương. Lúc đó, bệnh nhân vẫn còn thức, sau đó mới rơi vào giấc ngủ. Nếu ghi điện não giai đoạn này thấy đó là giấc ngủ REM.
Các triệu chứng khác bao gồm ảo giác trong lúc dở thức, dở ngủ. Đó là các ảo giác thật, có thể là ảo thanh hoặc ảo thị, xảy là lúc bắt đầu ngủ hoặc lúc sắp kết thúc giấc ngủ. Bệnh nhân thường có hoảng hốt kéo dài 1-2 phút, sau đó trở lại bình thường.
Triệu chứng ít gặp hơn của ngủ lịm là ngủ liệt, thường xảy ra lúc thức dậy vào buổi sáng. Lúc này, bệnh nhân tỉnh ngủ hoàn toàn nhưng không thể cử động được. Nếu triệu chứng này kéo dài sẽ gây rất nhiều bất tiện cho bệnh nhân. Các bệnh nhân ngủ lịm tuy vào giấc ngủ nhanh, nhưng trong đêm họ cũng bị thức giấc.
Khi lâm sàng chưa đủ rõ ràng để chẩn đoán, cần ghi điện não suốt đêm để xem các giai đoạn ngủ REM.
Chẩn đoán bệnh ngủ lịm
Bệnh nhân phải có các cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại, diễn ra hàng ngày, kéo dài ít nhất 3 tháng. Bệnh nhân có một trong hai triệu chứng sau: Có các giai đoạn mất trương lực cơ hai bên, xuất hiện đột ngột; tái diễn các triệu chứng ảo giác lúc dở thức, dở ngủ xuất hiện lúc bắt đầu và kết thúc giai đoạn ngủ.
Điều trị
Không có biện pháp nào điều trị được ngủ lịm, nhưng có thể khắc phục được bệnh này. Chế độ ngủ ngắn bắt buộc hàng ngày thường có kết quả tốt cho người ngủ lịm. Ví dụ tạo điều kiện cho bệnh nhân có thời gian đi ngủ ngắn cứ sau 4 giờ/lần. Mỗi lần ngủ có thể chỉ cần kéo dài 15 đến 30 phút thì cũng có thể cho kết quả tốt.
Các trường hợp nặng hơn thì phải dùng thuốc kích thích thần kinh. Modafinil (provigil), một chất kích thích thụ cảm thể hệ adrenergic dùng điều trị cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại và các rối loạn vận động trong ngủ lịm. Tuy nhiên, bác sĩ cần theo dõi tình trạng quen thuốc của bệnh nhân.
Hiện nay, các bác sĩ thường dùng thuốc chống trầm cảm fluoxetine để điều trị ngủ lịm. Thuốc này làm giảm hoặc hết tình trạng mất trương lực cơ, vì vậy khắc phục được triệu chứng ngã do mất trương lực cơ đột ngột của bệnh nhân ngủ lịm. Bệnh nhân cần được điều trị trong nhiều tháng.
Người ta khuyên nên phối hợp giữa việc sử dụng thuốc chống trầm cảm với thực hiện liệu pháp ngủ chợp mắt, thay đổi lối sống, có các kỳ nghỉ hè để làm giảm tình trạng quen thuốc.