Ngỡ được TQ "che chở", Iran sẽ thất vọng bởi Bắc Kinh chỉ "chọc tức" Mỹ rồi... thôi?

Tất Đạt |

Trung Quốc sẽ không muốn vướng thêm vào các rắc rối chỉ vì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Động thái của Trung Quốc

Một tàu chở dầu thuộc về Ngân hàng Côn Lôn do nhà nước Trung Quốc quản lí đã rời khỏi cảng dầu ở Iran. Chở theo 2 triệu thùng dầu thô, tàu Pacific Bravo được cho là đang tiến về phía đông và đích cuối có khả năng cao là Trung Quốc.

Nếu số dầu này thực sự được đưa về Trung Quốc, thì đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia công khai mua dầu Iran từ khi chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump thu hồi lệnh miễn trừ cấm vận đối với 8 quốc gia. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang chống lại lệnh cấm vận của Mỹ.

Những khách hàng mua dầu khác của Iran dường như không được "dũng cảm" như vậy. Ngày 22/5, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đã ngừng mua dầu Iran vì "sự tuân thủ" đối với cấm vận Mỹ.

Cùng ngày, đại sứ Ấn Độ tại Washington cho biết mặc dù Iran là "một nước láng giềng gần", nhưng Ấn Độ sẽ không mua dầu Iran. Tuy nhiên sau đó một số báo cáo cho thấy New Delhi trên thực tế vẫn sẽ nhập khẩu dầu Iran, nhưng chỉ với một số lượng nhất định.

Với hầu hết các khách hàng mua dầu quan trọng đều quyết định không "chọc tức" Mỹ và đứng trước rủi ro chịu cấm vận đối với các tàu chở dầu, nhà máy lọc dầu và các ngân hàng thực hiện giao dịch, Iran hiện chỉ còn cách chờ đợi và nghĩ liệu Trung Quốc - một thành viên tham gia thỏa thuận hạt nhân - có giúp Iran ở lại thỏa thuận này thông qua việc gỡ bỏ một số áp lực kinh tế khổng lồ từ cấm vận Mỹ hay không.

Ngỡ được TQ che chở, Iran sẽ thất vọng bởi Bắc Kinh chỉ chọc tức Mỹ rồi... thôi? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc chính phủ Mỹ sử dụng những lệnh cấm vận ở nước ngoài cũng như những động thái của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng xấu tới thỏa thuận hạt nhân và sự đồng thuận đa phương mà thỏa thuận ấy mang lại.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh vào đầu tháng 5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thúc giục Trung Quốc "hành động quyết liệt" để cứu thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, không may cho ông Zarif, cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Trung Quốc ngần ngại trong việc ủng hộ Iran. Trong thời kì cấm vận trước - trước thời điểm kí thỏa thuận năm 2015 - các công ty Trung Quốc đã bước vào thị trường Iran trong khi các hãng châu Âu rút lui.

Kết quả là giao dịch song phương giữa Trung Quốc và Iran tăng vọt. Nhưng sự tăng trưởng đã không còn được như trước từ khi chính quyền ông Trump áp đặt cấm vận lần thứ 2 với Iran vào tháng 11 vừa qua.

Trên thực tế, trong 7 tháng trở lại đây, hoạt động thương mại song phương giữa Trung Quốc và Iran đã sụt giảm đáng kể. Đây là dấu hiệu báo động với Iran bởi một số ngành công nghiệp và thiết bị máy móc của Trung Quốc là "xương sống" trong các cơ sở sản xuất Iran. Hàng hóa từ các cơ sở này có ảnh hưởng trực tiếp đối với lượng sản phẩm được sản xuất ở Iran, đặc biệt trong ngành ô tô.

Lời khuyên từ các nhà phân tích

Mặc dù xuất khẩu từ Trung Quốc tới Iran đã tăng trở lại trong hai tháng vừa qua, từ 428 triệu USD trong tháng 2 lên khoảng 1 tỉ USD trong tháng 4, mức này vẫn thấp so với ngưỡng 1,2 tỉ USD hồi tháng 10.

Quan trọng hơn, hiện vẫn không rõ liệu xuất khẩu Trung Quốc tới Iran có thể được duy trì ở mức nào nếu thiếu đi hoạt động nhập khẩu dầu Iran. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Iran vẫn đang phải chật vật để tìm kênh tài chính hữu hiệu nhằm trả tiền cho hàng hóa Trung Quốc.

Cũng đáng lưu ý rằng, Trung Quốc đã tận dụng lệnh miễn trừ cấm vận dầu mỏ từ chính quyền ông Trump hồi tháng 11. Tháng vừa qua, lượng dầu nhập khẩu đã tăng tới 1,7 tỉ USD, ngưỡng cao nhất từ hồi tháng 8 năm ngoái - và là sự phản ánh đáng kể đối với lượng dầu được chở từ Iran tới Trung Quốc.

Nhưng con số này có thể sẽ đem lại sự thất vọng cho Iran khi Trung Quốc dường như không muốn duy trì mua dầu khi không có lệnh miễn trừ cấm vận từ Mỹ.

Hành trình của tàu Pacific Bravo có đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Iran hay không vẫn phụ thuộc vào sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ngỡ được TQ che chở, Iran sẽ thất vọng bởi Bắc Kinh chỉ chọc tức Mỹ rồi... thôi? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Reuters

Chính quyền ông Trump đã áp thêm nhiều cấm vận đối với hàng hóa Trung Quốc và đưa công ty công nghệ viễn thông Huawei vào danh sách đen, nói số phận của Huawei có thể liên hệ chặt chẽ với thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Đòn thuế quan này đã khiến người Trung Quốc tức giận. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp chuẩn bị cho "cuộc trường chinh" khi mâu thuẫn dâng cao.

Khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dường như khó đạt được trong tương lai gần, việc duy trì nhập khẩu một lượng dầu mỏ quy mô nhỏ từ Iran có thể sẽ chỉ gây ra một tổn hại không lớn về mặt chính trị.

Một số nhà phân tích Iran dự đoán rằng những diễn biến mới đây sẽ buộc Trung Quốc phải quyết đoán hơn đối với cấm vận Mỹ. Họ cho rằng bởi vì Tehran và Bắc Kinh hiện tại đang "đối mặt với kẻ thù chung", vậy nên duy trì giao dịch và không tuân theo cấm vận Mỹ "không phải là một lựa chọn, mà là một sự cần thiết".

Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc dường như không đồng tình. Kể cả khi chiến tranh thương mại và cấm vận Mỹ đối với Iran có những biểu hiện tương tự nhau, thì khó có khả năng Trung Quốc sẽ tìm mối liên hệ giữa hai vấn đề này.

Hồi tháng 4, Yin Gang, một chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng điều tốt nhất Iran có thể làm bây giờ là "một chính sách rút lui chiến lược", kể cả thông qua việc giảm ảnh hưởng ở Syria hay Yemen cũng có thể giúp Iran chịu bớt ảnh hưởng từ chính sách "áp lực tối đa" của ông Trump.

Mặc dù đánh giá của Gang phản ánh sự đồng thuận trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc vẫn do dự trong việc trở thành nhà bảo hộ kinh tế cho chính sách đối ngoại của Iran.

Đường lối của Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tuần tới, khi Trung Quốc công bố số liệu hải quan tháng 5. Liệu Trung Quốc có thực sự nhập khẩu dầu mỏ Iran mặc cho các cấm vận của Mỹ hay không sẽ là một diễn biến quan trọng.

Ngoài ra, các hoạt động giao dịch không liên quan tới dầu mỏ giữa Trung Quốc và Iran sẽ là biểu hiện rõ nhất cho bất kì sự thay đổi nào trong chính sách của Bắc Kinh đối với việc giúp Tehran chống chịu lại các đợt cấm vận cửa Mỹ.

Nhưng suy cho cùng, kể cả khi chính phủ Trung Quốc quyết định hỗ trợ Iran về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn có thể sẽ phải đối mặt với thách thức mà châu Âu từng gặp phải.

Hay nói cách khác, một số công ty Trung Quốc sẽ đơn thuần chọn quyết định rút lui bởi giao dịch với Iran không đem lại nhiều nguồn lợi như những rắc rối mà nó gây ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại