Trung Quốc giáng đòn vào LNG: Mỹ thiệt nhiều hơn?
Khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã trở thành một trong những mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với nước Mỹ, theo một bài viết được đăng tải gần đây trên báo The Hill.
Cụ thể, việc xuất khẩu LNG không chỉ tạo việc làm cho người Mỹ và góp phần giảm thiểu thâm hụt thương mại, mà mặt hàng này cũng giúp nước Mỹ củng cố vị thế lãnh đạo và năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt và Bắc Kinh nhắm tới lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Mỹ, thì Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất thị phần năng lượng.
Mặc dù gần đây Ả Rập Saudi đã tuyên bố sẽ nhập khẩu LNG của Mỹ, nhưng số lượng xuất sang quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thể đủ để bù vào "khoảng trống" mà Trung Quốc để lại khi họ quyết định tìm đến một nhà cung ứng khác.
Một trong mục tiêu được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới rất nhiều lần trước và sau khi trở thành lãnh đạo nước Mỹ là việc giành được vị thế thống trị về năng lược.
Thực tế, Mỹ cũng đã đạt được mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2018, và lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu khí đốt ròng trong vòng 6 thập kỷ qua. Tuy nhiên, những rủi ro đang dần hiện rõ đối với thị trường này.
Trung Quốc vừa qua đã tuyên bố quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/6, trong đó bao gồm mặt hàng LNG sẽ phải chịu mức thuế mới là 25% (hiện tại là 10%). Đây là hành động nhằm đáp trả đòn giáng thuế quan trước đó của ông Trump.
Ảnh minh họa: Getty.
Thị trường LNG của Mỹ vốn đã chịu thiệt hại khá nặng từ sau khi Trung Quốc áp mức thuế 10% và giảm mua mặt hàng này từ Mỹ. Trong vòng 6 tháng gần đây, Trung Quốc chỉ nhập vào 4 lô LNG từ Mỹ, trong khi đó, vào giai đoạn cùng kỳ năm ngoái, con số này là 35.
Là quốc gia nhập khẩu LNG nhiều thứ 2 trên thế giới chỉ sau Nhật Bản, có thể nói rằng Trung Quốc nắm giữ quyền lực đáng kể về LNG. Hầu hết các dự án xuất khẩu LNG của các công ty năng lượng Mỹ đều được củng cố bởi các hợp đồng dài hạn với Trung Quốc.
Nếu không có Trung Quốc tham gia với tư cách là người mua có nhu cầu lớn về LNG, thì các dự án trên đều đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Việc Trung Quốc giảm mua LNG từ Mỹ cũng sẽ trở thành cú hích đối với những đối thủ cạnh tranh khác của Mỹ như Qatar và Australia, thậm chí còn có thể giúp các nước này bỏ xa Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu LNG. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới năng lực cạnh tranh của các dự án LNG của Mỹ.
Điều quan trọng là hậu quả của cuộc thương chiến này sẽ không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp năng lượng Mỹ, mà còn có thể thay đổi, tái định hình trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Một khi Trung Quốc ngừng nhập LNG từ Mỹ, thì họ có thể sẽ đẩy mạnh sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của riêng mình, nhằm lấp đầy "khoảng trống" của LNG Mỹ.
Trong khuôn khổ dự án BRI, Trung Quốc đã đầu tư 27,1 tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó bao gồm các dự án LNG và đường ống dẫn khí đốt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lục địa Á-Âu.
Trung Quốc hy vọng rằng các đối tác BRI sẽ cung cấp nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời Bắc Kinh cũng mong muốn tăng cường đầu tư vào các thị trường ngoài Mỹ.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại hơn cả, đó là BRI không đơn thuần chỉ hướng tới mục tiêu tìm kiếm đối tác kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một hình thức "bẫy nợ", theo đó Trung Quốc sẽ lợi dụng các khoản đầu tư khổng lồ của mình để đổi lấy quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trong khu vực, thông qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và từng bước trở thành lãnh đạo toàn cầu.
Các tàu chở LNG xuất khẩu. Ảnh minh họa: Google.
Mỹ-Trung đấu nhau, tiền sẽ "chảy" vào túi Nga?
Việc căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang còn làm cho mối quan hệ của liên minh Nga-Trung càng được củng cố. Để thay thế LNG Mỹ, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đường ống khí đốt của Nga.
Đáng chú ý là đường ống Power of Siberia, dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm 2019, có thể đáp ứng được gần 15% nhu cầu về khí thiên nhiên nhập khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc gần đây cũng rất tích cực đầu tư vào một số dự án LNG của Nga, như dự án Yamal LNG và Arctic LNG 2. Với sự hợp tác mạnh mẽ về năng lượng này, liên minh Nga-Trung hoàn toàn có khả năng cùng nhau đối phó Mỹ trong vấn đề lợi ích chung.
Ngoài ra, do chiến tranh thương mại khiến LNG Mỹ phải tìm đến những địa điểm khác ngoài Trung Quốc, Nga cũng có thể tranh thủ hướng sự chú ý tới những quốc gia có nhu cầu lớn về năng lượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ.
Khi Mỹ dần rút khỏi khu vực, các đồng minh này sẽ càng tăng cường quan hệ với Nga trong lĩnh vực năng lượng. Hiện Hàn Quốc đã tiến hành thảo luận với Nga về kế hoạch xây dựng một đường ống khí đốt qua Triều Tiên, còn Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng cường nhập khẩu LNG từ Nga.
Nga vốn đã tăng cường hiện diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và với sự hỗ trợ vững chắc của Nga, cùng với các đối tác trong dự án BRI, Trung Quốc sẽ có thể tự tin trở thành một cường quốc cạnh tranh với Mỹ, chấm dứt vị thế thống lĩnh của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu giống như một ngõ cụt, và rất khó để biết được bên nào sẽ chịu nhượng bộ trước để đạt được lợi ích, hay liệu những thiệt hại kinh tế sẽ càng trở nên tồi tệ hơn vì các bên thiếu hợp tác.
Mặc dù vậy, thì mặt hàng LNG của Mỹ vẫn rất hấp dẫn đối với các khách hàng Trung Quốc, và phía Trung Quốc vẫn muốn được hưởng lợi từ việc mua hàng Mỹ với giá cả phải chăng và điểm đến không bị hạn chế. Gần đây Mỹ đã đạt được sự phục hưng trong lĩnh vực dầu khí mà rất ít ai có thể tưởng tượng nổi điều này từ 10 năm trước.
Do đó, đối với Mỹ, thì việc làm chậm tiến độ và kìm hãm tăng trưởng chỉ vì cuộc chiến thuế quan mới là thỏa thuận tồi tệ.
Bài viết được đăng tải trên trang The Hill (Mỹ), thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả Carolyn Kissane.
Bà Carolyn Kissane là giám đốc học thuật của chương trình đào tạo sau đại học về các vấn đề toàn cầu tại Trung tâm các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học New York, và là giáo sư giảng dạy các khóa học sau đại học về nghiên cứu địa chính trị năng lượng, chính trị năng lượng so sánh, năng lượng, môi trường và an ninh tài nguyên.