Thủ tướng Nhật "tranh thủ" tối đa để tận lợi hết mức từ ông Trump: Mối lo từ bài học nhãn tiền của TQ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng khác nào "cầu được ước thấy" đối với cả hai bên...

Dùng hình thức xử lý thực chất

Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài thì chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất thành công đối với cả chủ nhà lẫn khách, chẳng khác nào "cầu được ước thấy" đối với cả hai bên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhằm đúng vào tính cách và tâm lý của ông Trump để công khai thể hiện, tranh thủ ông Trump ở mức độ chưa từng dành cho bất cứ chính khách nước ngoài nào khác.

Tranh thủ tối đa cá nhân ông Trump để tận lợi hết mức có thể từ ông Trump cho việc giải quyết những chuyện mắc mớ hiện tại trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ được ông Abe vận dụng không phải bây giờ, mà kiên định và kiên nhẫn kể từ khi ông Trump mới đắc cử chứ chưa chính thức nhậm chức Tổng thống ở Mỹ.

Không phải như thế trên thực tế hay sao? Cho tới nay, ông Abe đã ba lần sang Mỹ gặp ông Trump. Ông Trump thăm Nhật Bản lần này là lần thứ 2 và ngay trong tháng sau thôi sẽ trở lại đảo quốc này để tham dự hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở Osaka.

Ông Abe chứ không phải ai khác đã kiến nghị trao giải thưởng Nobel về hòa bình cho ông Trump, nhằm vinh danh vai trò cá nhân của ông Trump trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - mà giờ trên thực tế vẫn chưa đâu vào đâu.

Thủ tướng Nhật tranh thủ tối đa để tận lợi hết mức từ ông Trump: Mối lo từ bài học nhãn tiền của TQ? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp hình selfie cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại sân golf hôm 26/5 vừa qua. Ảnh: AP.

Tháng sau, ông Trump sẽ sang Nhật Bản, nhưng chuyến thăm vừa qua của ông Trump vẫn được ông Abe vì để dành cho ông Trump hai điều khác nữa mà chẳng có chính khách nào khác trên thế giới có được, đó là dự trận đấu sumo và trao Cup riêng của ông Trump cho vận động viên chiến thắng, và là chính khách nước ngoài đầu tiên hội kiến tân Nhật hoàng Naruhito. Không có gì lạ khi ông Trump rất phấn khích.

Ông Abe muốn thể hiện cho dân chúng ở Nhật Bản và cả thế giới bên ngoài thấy là mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ không chỉ đặc biệt mà còn rất tốt đẹp và tin cậy, hơn hẳn mối quan hệ của Mỹ với tất cả các đồng minh hay đối tác khác trên thế giới.

Ông Abe theo đuổi 3 mục tiêu chính

Thứ nhất là dùng trọng thị và đề cao ông Trump để người này không làm găng và ép mạnh Nhật Bản trong cuộc xung khắc thương mại và đàm phán thương mại hiện tại.

Hai bên đã khởi động tiến trình đàm phán và ông Abe muốn tránh cho Nhật Bản bị Mỹ đối xử như Mỹ hiện tại đối xử Trung Quốc, tức là tránh cho Nhật Bản trở thành đối tượng và nạn nhân của cái gọi là "chiến lược gia tăng áp lực tối đa" của ông Trump.

Ông Abe ý thức được rằng Nhật Bản không thể không đàm phán và đi tới thỏa thuận với Mỹ, nhưng nhượng bộ càng ít càng tốt, và trong thời gian đàm phán càng ít bị ông Trump gia tăng áp lực càng tốt.

Xem ra, ông Abe đã đạt được mục tiêu này. Ở Nhật Bản, ông Trump hoàn toàn không hề làm găng với Nhật Bản trong chuyện xung khắc và đàm phán thương mại mà lại còn tỏ ra lạc quan về triển vọng đàm phán.

Thứ hai là củng cố mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống giữa Mỹ và Nhật Bản.

Thật ra trên phương diện này, ông Trump không hề có chủ ý hủy hoại hay làm lỏng lẻo mối quan hệ ấy, mà chỉ muốn Nhật Bản trả giá cao hơn cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ. Ông Abe chủ trương sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hòa bình ở Nhật Bản nhưng thừa hiểu rằng Nhật Bản cả trong tương lai nữa vẫn còn phải dựa cậy vào Mỹ về an ninh, trước hết để đối phó Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong chuyến đi này của ông Trump, ông Abe muốn làm cho ông Trump thực sự tin rằng rồi Nhật Bản cũng sẽ đáp ứng những yêu cầu của Mỹ trên phương diện an ninh và ông Trump không cần phải o ép Nhật Bản thêm nữa.

Thứ ba là thuyết phục ông Trump không những chỉ lưu ý thỏa đáng đến những lợi ích chiến lược của Nhật Bản khi Mỹ vận hành tiến trình hòa bình và hòa giải với Triều Tiên, mà còn để cho Nhật Bản có chân và có phần, có vai trò và ảnh hưởng trong tiến trình ấy.

Thủ tướng Nhật tranh thủ tối đa để tận lợi hết mức từ ông Trump: Mối lo từ bài học nhãn tiền của TQ? - Ảnh 3.

Ông Trump và ông Abe có những phát biểu khác nhau về việc Triều Tiên mới rồi lại phóng tên lửa. Đấy không phải bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc, mà chỉ là cách ông Abe nhắc nhở và hối thúc Mỹ lưu ý tới sự quan tâm và lợi ích của Nhật Bản.

Không cần có tuyên bố chung, cũng chẳng cần thỏa thuận cụ thể nào mà sự kiện chính trị ngoại giao này vẫn rất thành công đối với Mỹ và Nhật Bản. Hình thức có thể giúp hai bên xử lý thực chất chuyện quan hệ song phương như thế đấy.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại