Trước đó, ngày 11/1 sau khi uống trà sữa gần nhà, bệnh nhi đau bụng dữ dội, nôn ói kèm theo sốt cao, tiêu chảy. Gia đình bé gái đã chuyển bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Tại đây, bé được chẩn đoán suy thận, suy gan, nhiễm trùng tiêu hóa nặng.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhi đã có những thời điểm tỉnh táo một cách bất thường. Nghi ngờ những biểu hiện của bệnh nhi có thể không đúng với thông tin bệnh sử trước đó, bằng những biện pháp tác động về mặt tâm lý, các bác sĩ đã dò hỏi thì được bệnh nhi cho biết cháu đã uống thuốc diệt cỏ.
Lời khai của bệnh nhi trùng khớp với kết quả xét nghiệm xác định cháu bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat rất nặng.
Nói đến ngộ độc paraquat thì hầu như bác sĩ chuyên ngành hồi sức, chống độc nào cũng “ái ngại” bởi vì tác dụng kinh hoàng của loại thuốc này đối với sức khoẻ con người. Trong khi đó, ghi nhận cả nước mỗi năm có hàng trăm ca ngộ độc paraquat phải vào bệnh viện cấp cứu.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tính từ năm 2014 có 300 ca, năm 2015 hơn 350 ca và khoảng hơn 450 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat vào năm 2016.
Theo TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Paraquat là chất cực kỳ độc, tỷ lệ tử vong 70-90%. Paraquat gây tử vong do suy đa tạng. Điểm đặc biệt của hóa chất này là rất có ái lực với phổi. Hóa chất này được lưu giữ trong phổi với nồng độ rất lớn gây tổn thương phổi, đặc biệt là làm xơ phổi, khiến bệnh nhân chết vì ngưng thở.
Ở liều độc mạnh, bệnh nhân tử vong vì ngộ độc cấp tính do suy đa tạng: gan, thận phổi, nhiều trường hợp tử vong chỉ vài giờ sau khi uống hóa chất này. Đối với thuốc diệt cỏ Paraquat, nếu uống hóa chất nguyên bản, không pha loãng chỉ cần 1 ngụm nhỏ (khoảng 12-15 ml) với người có cân nặng 50 kg là đã tử vong.
Có trường hợp bệnh nhân được điều trị tỉnh táo nhưng khoảng 5-7 ngày sau đó thì lượng ô xi máu giảm dần rồi suy hô hấp và tử vong. Nguyên nhân do hóa chất Paraquat “bám” chắc vào các nang phổi, phá hủy gây xơ phổi.
“Paraquat gây xơ phổi tiến triển không hồi phục, vì vậy nhiều trường hợp bệnh nhân không tử vong sớm nhưng lại phải đón nhận cái chết đến từ từ và tử vong sau 1-2 tuần vì suy hô hấp mà không cách nào cứu được”.