Với hơn 500.000 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được xác nhận trên toàn thế giới, có một sự thật rõ ràng về SARS-CoV-2, đó là chủng virus corona mới này có khả năng lây lan rất mạnh.
Bây giờ, một loạt các nghiên cứu đang dần hé lộ bí ẩn tạo ra mức độ lây nhiễm của SARS-CoV-2. Khi nào thì một người mắc Covid-19 có khả năng lây virus cho người khác cao nhất?
Trong khi chúng ta đã biết những người già trên 60 tuổi, người mắc bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, người có hệ miễn dịch suy yếu là đối tượng dễ bị virus tấn công nhất. Nhưng cũng có những trường hợp Covid-19 đánh gục được cả những người trưởng thành khỏe mạnh, đưa họ vào trạng thái viêm phổi nguy kịch.
Ngoài ra, virus cũng có thể lây nhiễm một người mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những trường hợp đầu tiên này đã được xác nhận tại Trung Quốc vào tháng 1, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science China Life Science . Mặc dù các nhà khoa học khi đó chưa biết tỷ lệ nhiễm Covid-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng phổ biến tới đâu.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science tuần trước đã phân tích diễn biến dịch Covid-19 tại 375 thành phố ở Trung Quốc từ ngày 10 tháng 1 - khi dịch bệnh mới bùng phát cho tới ngày 23 tháng 1 - khi các biện pháp ngăn chặn như hạn chế đi lại được áp dụng.
Trong đó, tiến sĩ Jeffrey Shaman tại Đại học Columbia và các đồng nghiệp của mình đã đi đến kết luận cho rằng 86% các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc là những người không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng rất nhẹ.
Dữ liệu của các công dân nước ngoài được sơ tán khỏi Vũ Hán cũng cho ra một tỷ lệ tương tự các trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Nghiên cứu cho thấy chính những ca bệnh không có triệu chứng lại có đóng góp lớn vào sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, trước khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng.
Mặc dù xác suất lây nhiễm cho người khác của những ca Covid-19 không triệu chứng chỉ bằng 55% so với bệnh nhân đã có triệu chứng, nhưng nghiên cứu cho thấy họ phải chịu trách nhiệm cho 79% các ca nhiễm mới Covid-19 trong thời gian này.
Lý do có thể là vì các ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thực sự nhiều hơn. Và khả năng cao hơn là họ vẫn ra ngoài.
Nếu có ai đó nhiễm Covid-19 với các triệu chứng nhẹ, tiến sĩ Shaman nghĩ rằng hầu hết họ vẫn sẽ đi làm hoặc đi chơi bình thường. "Những người này chính là yếu tố điều khiển dịch bệnh và họ là những người tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan", ông nói.
Một dự án ở Ý cũng đã tìm thấy nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. Khi xét nghiệm được triển khai tới mọi người dân tại một thị trấn tên là Vò - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại Ý - 60% những người có kết quả xét nghiệm dương tính báo cáo rằng họ không có triệu chứng.
Con số này thấp hơn con số được tìm thấy ở Trung Quốc, nhưng chúng đều ở mức cao như nhau, tiến sĩ Shaman nói. "Nó là 1/10 ở một số xã hội, so với 1/5 ở những xã hội khác, nhưng nhìn chung, bạn có thể sẽ có một mức độ lớn hơn nhiều những trường hợp đã được xác nhận", ông nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) , hầu hết những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ và tiến triển chậm.
Trong khi mọi người thường nghe nói rằng ho, sốt, khó thở và mệt mỏi có thể là dấu hiệu của Covid-19, thì vẫn còn có các triệu chứng khác của căn bệnh bao gồm sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Trong số những người nhiễm virus được xác nhận, 19% bệnh nhân sẽ tiến triển sang tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, thường là viêm phổi. Tỷ lệ tử vong khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi trung bình của dân số, tình trạng của hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia và mức độ mà các trường hợp nhẹ được xác định và đưa vào thống kê.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Medicine tuần trước ước tính rằng 1,4% các trường hợp nhiễm Covid-19 có triệu chứng ở Vũ Hán đã tử vong. Hiếm khi trẻ em nhiễm virus corona mới mà phát triển các tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Tuy nhiên, trớ trêu là những người trưởng thành, khỏe mạnh lại vẫn có thể bị viêm phổi nặng vì nó.
"Có một số người trẻ tuổi cuối cùng đã phải được chăm sóc đặc biệt", cố vấn y tế trưởng của chính phủ Anh, Chris Whitty thông báo trong một cuộc họp ngắn ngày 19 tháng 3.
Theo một nghiên cứu đăng trên Annals of Internal Medicine , khi một người nào đó bị nhiễm Covid-19, thời gian ủ bệnh của họ thường kéo dài từ 2 đến 14 ngày. Một nửa số ca nhiễm có triệu chứng trước ngày thứ 6.
Tuy nhiên, các con số này đã được tính toán bằng một nghiên cứu 181 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được xác nhận, có nghĩa là nó không tính đến số ca bệnh rất nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Điều đáng nói là một người nhiễm Covid-19 có thể bắt đầu lây nhiễm virus cho người khác, ngay cả khi họ chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy rằng sự lây nhiễm bắt đầu khoảng 2,5 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện trên người nhiễm bệnh, và đạt cực đại trong khoảng 15 giờ trước đó.
Nhưng trong khi chúng ta biết virus SARS-CoV-2 lây qua những cú ho và hắt hơi của người bệnh, vậy những người không có triệu chứng, không ho, không hắt hơi lây bệnh cho người khác như thế nào?
Những người mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn có thể có tải lượng virus rất cao trong đường hô hấp trên của họ. Nghĩa là họ có thể phát tán virus thông qua việc nhổ nước bọt, chạm vào miệng hoặc mũi rồi sau đó chạm lên các bề mặt. Hoặc họ cũng có thể lây bệnh khi nói chuyện, không nhất thiết cứ phải ho hoặc hắt hơi.
Khi các triệu chứng phát triển, tải lượng virus của một người giảm dần và họ sẽ ngày càng ít lây nhiễm hơn. Tuy nhiên, mọi người dường như tiếp tục phát tán virus trong khoảng hai tuần sau khi họ hồi phục từ Covid-19, virus xuất hiện cả trong nước bọt và phân của họ . Điều này có nghĩa là ngay cả khi một người đã hết triệu chứng, họ vẫn có thể lây virus sang cho người khác.
Các giọt bắn trong không khí có khả năng là con đường lây nhiễm chính của Covid-19, nhưng các bề mặt bị nhiễm virus cũng có thể đóng góp vào đó. Các lời khuyên y tế thường nói rằng virus có thể tồn tại khoảng 2 giờ trên các bề mặt, nhà sinh học William Keevil tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh cho biết.
Nhưng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine tuần trước cho thấy đây là một đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng. Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại tới14 giờ trên bề mặt hộp các-tông và tối đa 3 ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Nó cũng có thể lơ lửng xung quanh trong không khí ít nhất 3 tiếng đồng hồ, bên trong các giọt aeresol.
"Sự tồn tại trong nhiều ngày của virus corona mới trên các bề mặt hay đụng chạm là một rủi ro vệ sinh", Keevil nói. "Thật khó để tránh chạm vào [vật hoặc bề mặt bị ô nhiễm] như tay nắm cửa và tấm đẩy, thành giường và lan can cầu thang, màn hình cảm ứng công cộng, v.v.".
Một số nghiên cứu cũng cho thấy bằng chứng rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ phân của người bệnh, Elizabeth Halloran tại Đại học Washington cho biết. Điều này càng củng cố tầm quan trọng của việc rửa tay.
Keevil khuyên bạn nên rửa tay thường xuyên, chà với xà phòng trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay khô chứa cồn. Bạn cũng cần tránh chạm tay lên mắt, mũi và miệng.
Tất cả những nghiên cứu trên cho thấy rõ rằng chỉ khuyên những người bị ho hoặc sốt, thậm chí cả gia đình họ nên tự cách ly sẽ không ngăn ngừa được sự lây lan của virus corona. Đó là bởi khả năng gây bệnh và bệnh ẩn quái dị của nó.
Một số người nhiễm virus chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Và thậm chí họ có thể đẩy xác suất lây nhiễm lên tới đỉnh điểm trước cả khi bản thân họ nhận ra mình bị bệnh.
Tham khảo Newscientist