Quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Ảnh tư liệu: AP
“Nếu Nga quyết định tiến sâu hơn vào Ukraine, thì đó sẽ là sai lầm mang tính lịch sử đối với Mátxcơva”, Thượng nghị sĩ Chris Murphy cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN.
“Ukraine có thể trở thành Afghanistan thứ hai nếu Nga muốn tiến xa hơn”, ông Murphy nói, viện dẫn việc Liên Xô đưa quân tới Afghanistan vào 1979 và ở lại đây suốt một thập kỷ đến năm 1989. Trong thời kỳ này, hàng chục nghìn binh sĩ Hồng quân Liên Xô đã tử nạn.
Theo ông Murphy, Quốc hội Mỹ phải làm rõ việc Washington sẽ trở thành đối tác ngoại giao, chính trị, quân sự với Ukraine, đồng thời sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev để họ có thể tự vệ .
Về phía Mátxcơva, ông Nikolai Patrushev - người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga - lập luận rằng có những điểm tương đồng trong quan hệ Mỹ - Ukraine với quan hệ giữa Mỹ và chính phủ ở Afghanistan bị Taliban lật đổ hồi tháng 8.
Afghanistan là đồng minh của Mỹ, dù không phải là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Patrushev cáo buộc Mỹ bỏ rơi các đồng minh ở Trung Đông, đồng thời cho rằng Kiev có thể gặp số phận tương tự trong tương lai.
“Một kịch bản tương tự đang chờ đợi những người ủng hộ Mỹ ở Ukraine. Và Nhà Trắng - đến một lúc nào đó - sẽ không còn nhớ đến những người ủng hộ từ Kiev nữa”, ông Patrushev nói.
Căng thẳng biên giới Nga - Ukraine đang trở nên tồi tệ khi các cơ quan tình báo từ Washington và Kiev cáo buộc Mátxcơva đang chuẩn bị xâm lược Ukraine. Nga bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là tin giả từ Mỹ và chỉ trích việc Ukraine tăng cường lực lượng ở Donbass.
Khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột ở Ukraine, Thượng nghị sĩ Murphy nói: “Tôi đã đến Ukraine 6 lần. Tôi đã đọc báo cáo tình báo, và mối đe doạ là thực sự nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng không gì có thể thay thể được các biện pháp ngoại giao trực tiếp.
Vì vậy, tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đơm hoa kết trái".
Điện Kremlin và Nhà Trắng tuần trước cho biết hai tổng thống sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 7/12.
Tại cuộc họp, Tổng thống Biden dự kiến sẽ nhấn mạnh mối quan ngại của Mỹ với các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine, và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.