Đảng cực hữu Hungary đề xuất bất ngờ về Ukraine
Tờ Pravda (Ukraine) đưa tin, trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên ở Budapest hôm thứ Bảy (27/1), lãnh đạo đảng cực hữu Hungary, cũng là nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU), Laszlo Toroczkai cho rằng cuộc chiến Ukraine sẽ "hủy diệt châu Âu và đẩy nền kinh tế của lục địa này đến đáy".
Ông Toroczkai cho biết, đảng của ông ủng hộ việc chấm dứt xung đột Ukraine qua các tiến trình: Ngừng bắn ngay lập tức, hòa bình và giải quyết bằng phương pháp đàm phán.
Đặc biệt, lãnh đạo lãnh đạo đảng cực hữu Hungary còn đưa ra đề xuất, Budapest cần phải chiếm khu vực Transcarpathia, cực tây của Ukraine trong trường hợp Kiev thất thủ trước Moscow.
Transcarpathia hiện là một phần lãnh thổ thuộc Ukraine hiện đại sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và khu vực này là nơi sinh sống của một bộ phận đáng kể người gốc Hungary.
Theo RT (Nga), các thành viên cánh hữu từ một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả đại diện của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), được cho là đã hoan nghênh đề xuất của ông Toroczkai bằng những tràng pháo tay.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko đã kêu gọi chính phủ Hungary lên án nhận xét của ông Toroczkai.
Mâu thuẫn giữa Ukraine và Hungary
Theo CNN, kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, Hungary đã là mắt xích yếu nhất trong phản ứng của phương Tây. Thủ tướng Viktor Orban đã trì hoãn các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine hoặc phủ quyết các thỏa thuận viện trợ dành cho Ukraine.
Gần nhất, Hungary đã phủ quyết đối với gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine đáng lẽ phải được ký kết vào tháng 12/2023.
Thủ tướng Orban cho biết vào thời điểm đó lý do ông chặn gói viện trợ vì nguồn tiền trong ngân sách EU giải ngân ra ngoài khối là chưa hợp lý.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng kêu gọi các phương Tây dừng tất cả khoản viện trợ quân sự cho Ukraine vì cho rằng khối lượng vũ khí khổng lồ được đưa tới Kiev sẽ khiến hòa bình trở nên bất khả thi.
"Càng cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, xung đột càng kéo dài... Lượng lớn vũ khí được chuyển giao nhưng xung đột chỉ kéo dài thêm. Rất nhiều tiền đã được chi cho Ukraine nhưng sự tàn phá vẫn diễn ra", ông Szijjarto nói.
Ukraine nhận tín hiệu tích cực từ NATO
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, ông muốn mời Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO "trong một giai đoạn nhất định".
Trả lời câu hỏi về khả năng xảy ra đối đầu giữa Nga và NATO nếu tư cách thành viên của Ukraine trong Liên minh được nâng cao, ông Stoltenberg gọi đây là "lý do chính đáng" để Liên minh và Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine.
Tổng thư ký nhắc nhở rằng ngay từ đầu NATO đã được thành lập để ngăn chặn chiến tranh.
"Tôi đến từ Na Uy giáp biên giới Nga. Khi Na Uy trở thành quốc gia thành viên NATO, Liên Xô gọi đó là một sự khiêu khích. Đó không phải là một sự khiêu khích, đó là quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được lựa chọn con đường riêng của mình. Na Uy có quyền của mình, cũng như Thụy Điển, Phần Lan và Ukraine", ông Stoltenberg nói với Fox News ngày 28/1.
Tổng thư ký NATO cho biết: "Vì vậy, đây là lý do chính đáng để chúng tôi và Mỹ hỗ trợ Ukraine và mời nước này trở thành thành viên chính thức của Liên minh ở một giai đoạn nhất định".
Đầu tháng 1/2024, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO và Ukraine đã được tổ chức theo hình thức quân sự ở cấp tổng tư lệnh quân đội.
Mô hình của Hội đồng NATO-Ukraine được thành lập theo quyết định của hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào mùa hè năm 2023 như một trong những bước hướng tới việc Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Trong các cuộc họp của Hội đồng, việc tham vấn và ra quyết định đã diễn ra.